Thương mùa nước nổi tràn đồng

03/11/2022 15:00 GMT+7

Tháng 7 về, con nước cũng về. Ngoại tôi sau độ mươi ngày canh con nước định ngày cắt lúa thì nay đã có thể thảnh thơi ngồi gỡ rối mấy tay lưới ba màn, rửa mấy khạp ủ mắm, nhắc đi nhắc lại cậu phải trét lại chiếc xuồng để mùa này đi đặt lợp, đổ dớn.

Rồi ngoại nhai trầu, mắt nhìn xa xa nhưng lật mở những trang nhật ký cũ, ngoại sẽ nhắc về mùa nước năm 2000, nhà mình sập rồi được chú Bảy kế bên cho ở đậu, kể về những ngày tôi bệnh cậu chống xuồng tìm thầy chữa chạy, về cái năm hai bà cháu đi gỡ lưới bị gió đẩy xuồng trôi tuốt xóm dưới may được ông chăn vịt cho chén cơm lót dạ, chỉ hướng bơi về...

Bãi đất trước nhà nước ngập lên cao, bất đắc dĩ thành cái bến, thành chỗ neo đậu của mấy chiếc ghe của dân tứ xứ, lang bạt theo con nước

tgcc

Với ngoại, với xóm tôi và với cả người dân miền Tây, mùa nước nổi là một mùa đặc biệt lắm. Nó không xếp vào bốn mùa xuân hạ thu đông hay phân biệt rõ rành rành mùa khô và mưa, bởi mùa nước này không về đúng ngày đúng bữa, có khi ít khi nhiều. Độ tháng 7 âm lịch, khi ngoài đồng chỉ còn màu vàng cháy của đám rạ khô, ngai ngái mùi tro, những cơn mưa về thường nhật, không ai nhắc ai, người ta đều biết mùa nước đã về.

Nước mấp mé. Những cơn mưa kéo về mỗi chiều. Mấy con cá rô theo nước từ ao hồ nhảy lên đường lộ. Tụi con nít đang tắm mưa, hét ầm lên rồi chạy vô nhà kêu má. Má đang lui cui dưới bếp nhóm lò, xách liền cái rổ tre ra bắt cá, cũng không quên í ới mấy người hàng xóm ra bắt cùng. Nhà ngoại trở nên đông vui nhộn nhịp vào mỗi buổi chiều tắt nắng. Hồi chưa có truyền thanh, vô tuyến, ngoại hay canh tổ ong ruồi làm tổ, cứ dòm ngay mé sông để coi con nước mỗi ngày. Lúc nhà sắm được cái ti vi trắng đen cũ, lâu lâu lấm tấm mớ “hột é” hay mấy sọc xanh đỏ, vậy mà chiều nào, trong nhà rồi ra tới hàng ba cũng đón năm bảy người lớn, đám con nít trong xóm qua coi thời sự, chăm chú nghe dự báo khí tượng thủy văn. Ngày ấy cả khi mưa gió, nhà không bao giờ đóng cửa sớm, để gió sông ùa vào mát lạnh, để xóm giềng ra vào uống nước trà, xem truyền hình.

Nước lớn dần, bờ bãi chẳng còn thấy đâu. Bãi đất trước nhà nước ngập lên cao, bất đắc dĩ thành cái bến, thành chỗ neo đậu của mấy chiếc ghe của dân tứ xứ, lang bạt theo con nước. Cái ghe nhỏ như một ngôi nhà nổi, có mái che, chở đôi vợ chồng có khi là một gia đình với mấy đứa nhỏ nheo nhóc. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của một đứa trẻ lúc bấy giờ, tôi chẳng thể biết nhà bọn trẻ này ở đâu, chỉ nhớ rằng chúng hệt như một con rái cá nhanh nhẹn, dẫu xa lạ với bờ bãi, với những ngôi nhà trên bờ nhưng dưới nước là thế giới của chúng. Con nít xứ sông nước, không biết bơi là không được. Vậy là mùa nước năm đó, tôi có thêm một vài đứa bạn mới, có thêm những chiều lội ruộng tập bơi, những lần len lén đi bắt chuồn chuồn cắn rốn.

Bốn bề là nước. Sáng sáng lại nghe tiếng nước đánh lập lờ vào xuồng, tiếng cậu níu mấy cành cà na xào xạc, cột dây vào gốc sau một buổi đi thăm dớn. Má đem cái thau xuống khoang xuồng đựng nào cua cá, lọn bông súng ma, bông điên điển, bó rau muống cậu hái ngoài đồng. Tôi thì chạy lấy cái chai thủy tinh để bỏ mấy con cá lia thia đủ màu vào nuôi. Mùa nước này, cái ăn không bao giờ thiếu. Hễ ra đồng là có bao sản vật mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Hàng xóm bơi xuồng qua lại, chia nhau mớ cá mắm, rau đồng, tỉ tê vài ba câu chuyện cho mùa lúa tới. Những buổi chiều loang loáng ánh nắng trên sông, từ mấy chiếc xuồng ba lá lại nghe câu vọng cổ ngọt mật. Canh chua cá linh bông điên điển, mắm kho, cá lóc kho tộ,... những món ăn quen thuộc mùa nước giờ trở thành đặc sản đãi bạn tứ xứ. Và cũng là nỗi niềm nhung nhớ của những đứa trẻ một thời giờ đã lớn, đã phải xa quê, xa luôn mùa nước nổi.

Cây cà na ngay mé sông lộ ra bộ rễ đang cắm chặt xuống đất, nước rút dần. Sáng ngủ dậy, lần lượt thấy bãi đất trước nhà trống trải, giàn bếp của má thêm khạp mắm, mấy con khô lóc, khô chốt treo ở góc bếp. Má nói mấy chiếc ghe nhổ cọc đi rồi, người ta cho lại mình mớ cá mắm như lời cảm ơn và cũng là lời hẹn mùa sau, mùa tới dẫu chẳng biết đó là ngày nào. Tôi chắc mẩm ngày ấy mà có điện thoại, Facebook như bây giờ thì chắc tôi đã có một danh sách bạn bè, người quen khắp tứ xứ.

Mấy tay lưới lại được ngoại cất vào nhà kho, chiếc xuồng lẳng lặng nằm dưới bến giờ chỉ còn nhiệm vụ duy nhất là chở mấy đứa học trò qua sông đi học. Mọi thứ như trở về nhịp sống cũ, nhưng có cái gì đó khác, rất khác. Như ngoài đồng đã bồi thêm lớp phù sa đỏ nặng, như mớ ký ức tuổi thơ của tôi đã dày lên, như rằng mùa nước này nó làm người gần người hơn thì phải?!

Năm nào con nước về ít, bà con lại buồn nhiều lắm. Đó không chỉ là mùa đồng ruộng được tưới tắm, mùa mà cái nghề đánh bắt của bà con làm ăn được, bù lại cho mấy tháng không trồng trọt, chăn nuôi gì, mà là mùa những kỷ niệm.

Năm nay tôi lại gọi điện về cho má, nghe tiếng ngoại như đang nhai trầu, vọng vào chắc đâu từ hàng ba: "Mùa nước về rồi, bây ơi!".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.