“Đi cùng” họ là những chiếc máy gặt liên hợp, thứ từ nhiều năm nay có công giảm bớt sự nặng nhọc của nông gia những ngày mùa.
Nhưng có một câu chuyện kinh hãi khác cũng đang xảy ra giữa cánh đồng lúa chín đã “thiêu đốt” tâm hồn người hơn cả nhiệt độ ngoài trời. Đó là câu chuyện về những chiếc cọc sắt được bẻ một đầu hình móc câu, bị ai đó cắm lẫn giữa ruộng lúa.
Từ lâu, trong làng quê, hễ đến mùa gặt, người ta thường rỉ tai nhau về sự tranh giành địa bàn, kèn cựa thậm chí cạnh tranh không lành mạnh giữa những chủ máy gặt liên hợp. Để có được hợp đồng thu hoạch lúa ở cánh đồng này, của hợp tác xã này, họ sẵn sàng dọa dẫm, đe nẹt nhau...
Nhưng việc cắm cọc sắt giữa ruộng thực sự làm người ta ớn lạnh. Bởi theo tâm sự của một chủ máy gặt liên hợp, khi máy đang hoạt động đụng phải cọc sắt, nhẹ thì bị mẻ lưỡi hái (phải sửa chữa mất vài giờ với chi phí vài trăm ngàn đồng), nặng thì hỏng cả hệ thống gặt (sửa chữa ít nhất 1 ngày, chi phí khoảng 10 triệu đồng).
Năm ngoái, cũng vào mùa gặt, 2 ông chủ máy gặt liên hợp quê Thừa Thiên-Huế khi kéo máy ra gặt lúa ở thôn Ái Tử (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong, Quảng Trị) đã phải khóc ròng khi chỉ sau 1 đêm, chiếc máy đã bị cháy rụi. Hai ông nghi có người đốt, báo công an, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được làm rõ.
Quay lại câu chuyện về những chiếc cọc sắt được cắm giữa ruộng như những bãi chông. Chúng còn cắm vào trái tim người có lương tri những câu hỏi tại sao lại có những chuyện kinh hoàng như vậy xảy ra trên cánh đồng lúa? Nơi mà những người nông dân và chủ của những chiếc máy gặt liên hợp quăng quật giữa tiết trời thiêu đốt để hái những hạt ngọc trời, kiếm từng đồng tiền lương thiện? Cớ sao không thương lấy nhau mà còn nỡ tìm cách đạp đổ?
Bình luận (0)