Những khóm dã quỳ vàng giấu mình trên đất bazan trong những tháng ngày đẫm nước mưa rừng bỗng trỗi dậy như bừng tỉnh sau cơn mơ. Cao nguyên chuẩn bị vào mùa “ăn năm uống tháng” khi ngô thóc đầy kho, buôn làng rộn ràng bước chân vào lễ hội.
Mặt trời lên ngang đỉnh Chư Hdrung (Hàm Rồng), màu sương mai còn bảng lảng trên triền dốc, tôi thả mình dạo quanh hồ Ia Nueng (Biển Hồ) - “đôi mắt Pleiku” xanh biếc, rồi chạy dọc theo con đường làng nhỏ hẹp, vượt qua đồi chè Biển Hồ xanh mướt núp bóng dưới hàng cây muồng vàng chắn gió để đến “động hoa vàng” Chư Đăng Ya. Gió đan mùa như đám ngựa hoang quần thảo trên thảo nguyên xanh. Đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya như chiếc vú khổng lồ của mẹ tự nhiên đang chở che cho những ngôi làng người Jrai sinh sống bao đời nay, còn ngái ngủ trong lớp mây bàng bạc. Vùng đất bazan tươi tốt đang bật lên màu xanh của bắp, cây dong riềng và bạt ngàn hoa dã quỳ viền quanh ngọn núi như một vòng hoa vàng rực rỡ vẫy chào trong nắng mai. Tôi ưỡn ngực hít một hơi thật sâu bầu không khí trong lành của núi rồi lội trong rừng dã quỳ vàng tìm đến đỉnh Chư Đăng Ya. Tôi như tìm được sức mạnh của chàng Đam San trong sử thi đi tìm Nữ thần Mặt trời. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện tình yêu của Kpă Bơnga, cô gái Jrai ở bên này dãy Chư Hdrung yêu say đắm người con trai Sê Đăng - A Phia dưới chân núi Ngokang đã bị ngăn cách bởi gia đình và già làng. Cha nàng đã cắm nhát rựa vào cây cột nhà rông để cấm đoán tình yêu đầu đời của đứa con gái mà ông yêu quý. Nàng bước qua lời nguyền và tục lệ, quyết đi theo tiếng gọi của con tim mách bảo. Một ngày nọ vào cuối đông giá rét, Kpă Bơnga mang gùi lén bỏ nhà ra đi. Nàng nhắm hướng dãy quần sơn Ngokang xanh thẳm phía tây bắc mà băng rừng lội suối. Sức người con gái có hạn, nàng như cây măng rừng chưa đủ cứng cáp, nhiều ngày dầm trong gió mưa tầm tã cố vượt qua dãy Chư Đăng Ya có đỉnh chạm đến tầng mây trắng, nhưng thất bại. Kpă Bơnga gục xuống bên con suối lạnh, chiếc gùi vẫn còn vắt trên mỏm đá. Dân làng đi tìm nàng từ những cơn mưa cuối đông đến khi có ánh nắng mặt trời rọi chiếu trên dãy Chư Đăng Ya, họ mới phát hiện ra chiếc gùi với vài dụng cụ cá nhân quen thuộc của nàng; đặc biệt xung quanh đó không còn lại gì ngoài những khóm dã quỳ xanh tươi với bao nụ hoa vàng đang khoe sắc đung đưa trong gió. Nàng đã hóa thân thành loài hoa bất tử của đại ngàn cao nguyên. Câu chuyện tình đầy bi thương dưới chân “hỏa diệm sơn” Chư Đăng Ya ấy đã khiến bao thế hệ những chàng trai, cô gái trên đất bazan xem mùa dã quỳ bung nở hằng năm là sự báo hiệu của mùa yêu đương đang đến. Đó cũng là mùa lễ hội, mùa ning nơng, đặc biệt là lễ hội pơ thi (lễ hội bỏ mả) diễn ra khắp các buôn làng Tây nguyên bao la.
Những năm tháng còn gắn bó với cao nguyên, tôi không thể nào quên được mùa dã quỳ vàng, như một thứ quà tặng của yang (thần). Đó cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân rực rỡ đang đến của đất trời Tây nguyên đáng yêu. Trong cái lạnh sang mùa, buổi sáng tinh mơ dưới lớp sương mai bàng bạc trải đều ở triền thung lũng, tôi khoác chiếc áo ấm rồi đạp xe rời phố núi Pleiku để được hít thở chút không khí trong lành, để được nhìn ngắm rừng dã quỳ vàng tinh khôi còn ngậm hơi sương lung linh trong gió nhẹ. Tôi đã bị mê hoặc bởi “động hoa vàng” từ đó. Trong nhật ký của mình, tôi còn lưu lại mấy câu “si tình”: “Ai tô sắc dã quỳ vàng/để cho gió vấp... tình tang thẹn thùng/ô hay, trời đất tương phùng/khiến ai nhung nhớ... nhớ nhung bây giờ...”.
|
Bình luận (0)