Sống chính là đang viết...
Cùng với những cây bút thương hiệu của văn chương phương Nam như: Sơn Nam, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng... nhà văn Trần Kim Trắc (hội viên Hội Nhà văn VN và Hội Nhà văn TP.HCM) được xem là một cây đại thụ của văn học Nam bộ.
Ông sinh năm 1929 tại Chợ Gạo (Tiền Giang) rồi lên sinh sống tại Sài Gòn. Ngoài tên thật, nhà văn còn có các bút danh là NT và Trần Kim. Truyện ngắn Cái lu của ông từng đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ VN (1945 - 1954). Mặc dù có một thời gian dài gián đoạn việc viết lách do phải đi làm trái nghề để mưu sinh: thợ sơn tràng (khai thác gỗ), phu bốc vác, làm ruộng, chế biến thực phẩm và cuối cùng là nuôi ong lấy mật... nhưng khi trở lại với văn chương thì chính những trải nghiệm của cuộc sống vất vả khiến ông có một bút lực tràn trề. Hàng loạt tác phẩm tiếp nối nhau ra đời: Cái bót (truyện ngắn, in chung 1989), Con cá bặt tăm (truyện ngắn, in chung 1990), Ông Thiềm Thừ (truyện ngắn 1994), Hoàng đế ướt long bào (tiểu thuyết 1996), Học trò già, Trăng đẹp mình trăng (truyện ngắn 1997), Con trai ông tướng (truyện ngắn 1998), Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn 1999), Lý lắc Nam bộ (tản văn 2015)... đã nói lên sức viết mạnh mẽ của nhà văn.
Ông từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín về văn học nghệ thuật: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Con người và cuộc sống hôm nay do Hội Nhà văn TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức năm 2012, tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn VN năm 1995 với tập Ông Thiềm Thừ. Đặc biệt, truyện Ừ, đi, ừ được Sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển thể thành vở kịch Sài Gòn có một ngã tư diễn từ tết năm 2018 cho đến nay vẫn thu hút người xem.
Tổng biên tập - Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt cho biết: “Chúng tôi luôn trân trọng những cây đa cây đề như Sơn Nam, Toan Ánh, Trang Thế Hy và Trần Kim Trắc. Vì vậy, mà tự NXB chủ động đến tận nhà riêng gặp, trình bày ý nguyện muốn mua các tác phẩm của ông trọn đời và được đồng ý ngay chứ ông cũng không tìm đến đâu. Cảm động là ông luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, khiêm tốn và vui vẻ. Ông nói tưởng sách in xong rồi thì thôi, giờ in lại nữa thì thích quá. Nhà văn chẳng quan tâm nhiều đến tiền bạc mà nghe sách đến được nhiều người đọc là mừng rồi. Ông già lớn tuổi nhưng viết về giới trẻ rất hay, nhất là chuyện tình cảm tình yêu thì vô cùng sâu sắc”. Còn nhà thơ Trần Hoàng Nhân thì không thể nào quên những kỷ niệm với “Ông già Nam bộ”. “Trong khi mọi người gặp nhau hay nói chuyện huyên thuyên thì nhà văn ngồi im ru, nghe xong rồi tủm tỉm cười. Có lúc tôi buột miệng hỏi: “Cuộc đời này ông nghiệm ra điều gì?”. Ổng trả lời: “Tôi học được một câu trong Truyện Kiều là Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau và một câu trong Lục Vân Tiên: Nực cười hai chữ nhân tình éo le là đủ rồi”. Tôi nghĩ cuộc đời ông Trần Kim Trắc có nhiều cái để mình học hỏi: khiêm tốn, sâu sắc. Tôi nhớ nhà văn có câu nói rất hay “tôi đang sống tức là tôi đang viết”, chứ không phải “tôi đang viết tức là tôi đang sống” như quan niệm của một số nhà văn hiện nay đâu, nên dù có lúc hơn 30 năm ông ngưng viết nhưng khi cầm bút lại thì sáng tác rất hay là vì thế…”, Trần Hoàng Nhân chia sẻ.
Nhớ mãi ông già lý lắc nam bộ
Anh Võ Anh Tuấn - cháu ruột của nhà văn Trần Kim Trắc cho biết: “Ngày 10.11.2018, ông bị suy hô hấp nặng. Tới trưa 17.11.2018, bệnh tình trở nên nguy kịch, ông phải thở bằng máy cho đến 16 giờ 30 chiều thì ông đi. Vì quá neo người, chỉ có cậu ruột ở ngoài bắc vào phụ, ngày hôm sau lại đúng đám cưới của tôi nữa nên gia đình tiến hành khâm liệm ông ngay tại bệnh viện. Hôm sau tôi đưa ông đi hỏa thiêu rồi gửi vào chùa theo đúng ý nguyện của ông là không muốn làm gì rình rang…”. Theo anh Võ Anh Tuấn, hiện tro cốt của nhà văn Trần Kim Trắc đang được gửi tại chùa Hưng Phước (Q.3, TP.HCM).
Nhiều văn nghệ sĩ bày tỏ nỗi thương tiếc và đau buồn trước sự ra đi đột ngột của nhà văn Trần Kim Trắc. Nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ tình cảm thương nhớ “ông già” Lý lắc Nam bộ - như tên tập tản văn của Trần Kim Trắc, khi nhắc đến sự gần gũi chân thành của ông. “Tôi nhớ mỗi khi ra tác phẩm mới, nhà văn không nề hà mang sách đến tận cơ quan ký tặng khiến tôi thực sự cảm động. Là nhà văn lớn thuộc thế hệ đàn anh đi trước nhưng ông cư xử với thế hệ sau rất gần gũi và trân trọng, đó là điều thật đáng quý… Một nhà văn Nam bộ có đặc điểm độc đáo là kể chuyện thời kháng chiến rất hay và dí dỏm đã không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Nhớ ông quá...”, nhà thơ bùi ngùi.
Bình luận (0)