Những bộ đồ ướt sũng mồ hôi
Trần Thanh Thủy, 33 tuổi, nhân viên điều dưỡng của Trạm Y tế phường Hàng Bồ, Trung tâm Y tế Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, người trực tiếp cùng với đồng nghiệp đi đến từng ngõ ngách để truy vết, thu thập thông tin cá nhân người liên quan đến các ca F0 đồng thời liên hệ lấy mẫu xét nghiệm của những trường hợp này. Dù có nhiều đêm thức trắng, những bữa ăn vội, những chuyến “lên đường” gấp gáp, nhưng chỉ cần có thời gian nghỉ ngơi một chút là Thủy lại cập nhật mọi thông tin về dịch bệnh lên trang Facebook cá nhân để lan tỏa tinh thần phòng chống dịch Covid-19 tới đông đảo mọi người.
Những chia sẻ gần đây nhất của Thủy, kèm hình ảnh những “chiến sĩ trên mặt trận chống dịch” trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, gây xúc động mạnh và khiến nhiều người cảm phục.
Thủy viết: “Nghe dự báo thời tiết ngày mai là ngày bắt đầu đợt nắng nóng đầu tiên của Hà Nội, mở màn là 38 độ C. Còn đỉnh của các đợt nắng nóng mùa hè Hà Nội cũng chỉ rán được trứng ngoài đường thôi chứ mấy. Cả nhà có thể tưởng tượng cảm giác mồ hôi chảy làm cay khoé mắt nhưng không thể lau không? Đã có ai nếm thử vị mặn của mồ hôi, "uống mồ hôi thay nước" chưa. Đồng thời nhịn đi vệ sinh cũng trở thành "thói quen bất đắc dĩ", bởi mỗi lần đi vệ sinh là phải thay nguyên cả bộ từ đầu đến chân, mà mỗi bộ bảo hộ này đâu có rẻ.
Cuộc chiến còn dài, vật tư cần tiết kiệm tối đa, dù là cái nhỏ nhất. Cuối buổi, sau khi đã được khử khuẩn, chúng tôi cởi bỏ bộ bảo hộ theo quy trình để tránh tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài. Và cả nhà biết không, bộ blouse trắng trên người chúng tôi ướt sũng như vừa cùng chúng tôi đi lặn biển về vậy. Và mùi mặn chát của mồ hôi…”.
|
Chia sẻ với Thanh Niên, Thanh Thủy cho biết: “Mình làm công tác truy vết ngay từ những ngày đầu có dịch Covid-19 của năm ngoái. Có thời điểm 3 tháng liền không được về nhà vì sợ phơi nhiễm. Nhiều đêm phải lên đường bất chợt vì có ca dương tính mới, mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, hay những buổi đang làm việc mà nghe tiếng kêu ọt ọt từ những chiếc bụng rỗng của mình và đồng nghiệp, tủi thân muốn trào nước mắt. Nhưng tụi mình không nản chí, vẫn tiếp tục công việc với lòng quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh”. Năm ngoái, Thủy bị sụt mất 5kg do ăn uống không đúng bữa, đêm thường xuyên không ngủ. Năm nay Thủy cho biết mình có kinh nghiệm hơn nên đã biết cách cân bằng và giữ sức khỏe hơn.
Chiếc xe "độc nhất vô nhị"
Bên cạnh nhiều hỉnh ảnh khiến người xem muốn rớt nước mắt như nhân viên y tế kiệt sức ngủ gục tại chỗ được chia sẻ mới đây, thì hình ảnh chiếc xe "cải tiến" chở lực lượng phòng chống dịch Covid-19 trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, cũng gây xúc động không kém.
|
Chị Nguyễn Thị Huế, nhân viên Trạm y tế xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chính là người đứng trên tầng 2 của trạm y tế chụp lại khoảnh khắc đồng nghiệp ngồi trên chiếc xe “cải tiến” (một phương tiện chở đồ của người dân, thường dùng sức tay để kéo) lên đường làm nhiệm vụ. Đồng Lạc là địa phương nhận lệnh phong tỏa ngày 7.5 sau khi phát hiện có một ca dương tính tại đây. Các lực lượng lãnh đạo xã, y tế, công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên phải di chuyển từ điểm này đến điếm kia để truy vết, phun khử khuẩn… khá xa và nắng nên người dân đã hỗ trợ bằng cách dùng xe máy kéo chiếc xe cải tiến trên, nhờ thế mỗi chuyến chở được nhiều người hơn.
Chị Huế và đồng nghiệp những ngày qua thường xuyên làm việc tới 1-2 giờ sáng mới được đi ngủ, rồi 7 giờ sáng lại bắt đầu công việc lần theo dấu vết F1, F2, phun khử khuẩn ở các địa điểm có F1, F2 đến…
Chị Huế kể thêm: “Hôm nay, chúng tôi lại được một người dân chuyên chở đồ cho thuê đám cưới hỗ trợ bằng chiếc xe 3 bánh của mình. Thật vui vì toàn dân cùng nhau chia sẻ nỗi vất vả này. Đến nay 40 trường hợp của ca dương tính dịch Covid-19 kia đã âm tính lần 1. Người dân trong xã thì tuân thủ rất nghiêm túc lệnh phong tỏa, không có ai ra ngoài đi lại, vì vậy, chúng tôi mong là những ngày căng thẳng này sẽ sớm qua mau”.
Bình luận (0)