Thưởng tết lại 'buồn' vì thuế

07/01/2023 05:50 GMT+7

Thu nhập giảm, chỉ trông chờ vào khoản thưởng tết nhưng nhiều người chưa vui đã buồn vì bị trừ thuế thu nhập cá nhân.

Với việc nhiều yếu tố có thể khiến giá hàng hóa tiêu dùng tăng trong năm nay nên người làm công ăn lương đang chờ đợi thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được điều chỉnh theo hướng chia sẻ hơn với họ.

Thưởng bị “lẹm” vì thuế

Anh Q.T (Q.3, TP.HCM) chia sẻ do mới chuyển qua công ty mới được hơn nửa năm nên thưởng tết của anh năm nay rất hẻo, chưa tới 10 triệu đồng. Thế nhưng do nhóm của anh có một dự án doanh thu cao nên lãnh đạo quyết định thưởng riêng 200 triệu đồng. Chia đều 10 người trong teams, mỗi người được 20 triệu đồng.

“Thế nhưng kế toán nói sẽ tạm trừ thuế TNCN 2 triệu đồng mỗi người nên thực lãnh chỉ còn 18 triệu. Vợ tôi thất nghiệp cả hơn năm nay, 2 đứa con đi học đủ thứ chi phí cái gì cũng tăng. Tết thì phải lo cả nội, ngoại nên bị trừ mất 2 triệu với tôi là một khoản lớn”, anh Q.T nói. Đây cũng là tâm trạng của những người còn lại trong nhóm anh Q.T khi thuế “lẹm” mất 10% khoản thưởng của họ.

Cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Ngọc Thắng

Chị B.Đ (Q.7, TP.HCM) lại tỏ ra chán nản khi tháng lương thứ 13 bị cắt một khoản không nhỏ vì thuế. Năm 2021 kinh tế khó khăn, cơ quan chị chỉ thưởng nửa tháng lương thứ 13. Đến năm 2022, 3 quý đầu năm kinh tế khởi sắc, doanh thu tăng trở lại nên dù quý 4 gặp khó, lãnh đạo công ty quyết định thưởng nguyên tháng lương thứ 13 để động viên anh em.

“Mang tiếng là được cả tháng lương nhưng kế toán tạm trừ thuế, số thực nhận cũng chỉ nhỉnh hơn năm trước một chút trong khi vật giá năm nay đã tăng hơn năm ngoái rất nhiều”, chị B.Đ nói.

Thu nhập giảm, thuế vẫn đóng trọn là nỗi niềm của nhiều người làm công ăn lương hiện nay. Chị Thu Trang (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhẩm tính, thu nhập của gia đình chị sụt giảm mạnh do lương của chồng chị đã giảm đáng kể từ quý 3/2022 vì công ty thiếu đơn hàng xuất khẩu, giãn việc chỉ còn khoảng 50% so với trước đây. Lương chị Trang tuy không giảm nhưng khoản đầu tư vào chứng khoán của chị trong năm 2022 cũng bị lỗ hết 40%. Thế nhưng cả năm 2022, số thuế TNCN của chị tại công ty vẫn đóng đủ không sót đồng nào. “Hai đứa con thì mỗi ngày mỗi lớn nên bao nhiêu thứ phải chi thêm. Thu nhập ông chồng chưa đủ đóng thuế TNCN nhưng có khoản nào làm ngoài giờ từ 2 triệu đồng là bị thu thuế 200.000 đồng. Trong khi đó ngưỡng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc không hề thay đổi nên số thuế tôi phải nộp hằng tháng cũng như các năm trước dù tổng thu nhập của cả gia đình giảm mạnh. Dịp tết này lại phải tiết kiệm hơn những năm trước vì không có thêm khoản thu nào”, chị Thu Trang lo lắng.

Chưa cần nói đến việc xem xét giảm thuế TNCN cho những người lao động trong bối cảnh hiện nay thì cũng cần phải làm nhanh việc chỉnh sửa các chính sách không hợp lý để phù hợp với thực tế và thỏa đáng cho người nộp thuế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Một người gồng gánh cho một hoặc vài người trong gia đình là hoàn cảnh của nhiều người trong những năm gần đây. Đó là lý do sức mua trên thị trường đang có chiều hướng giảm sút mạnh từ cuối năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 5,67 triệu tỉ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết mặc dù đã qua rằm tháng chạp nhưng năm nay sức mua chưa hề có dấu hiệu tăng lên. Điều này báo hiệu nhiều gia đình đã tiết kiệm hoặc không có nhiều khả năng mua sắm.

Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu

Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thuế TNCN năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỉ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, so với mức dự toán đề ra vào đầu năm, thuế TNCN năm 2022 đã thu vượt 48.658 tỉ đồng.

Trong 10 năm qua, số thu thuế TNCN đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Số thu thuế TNCN gia tăng qua các năm đến từ việc cơ quan thuế khai thác các nguồn thu như thương mại điện tử, bất động sản, chứng khoán… Thế nhưng, người làm công ăn lương vẫn đóng góp hơn 70% trong tổng thu. Nhưng bất cập là mức giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời theo tốc độ tăng thu nhập góp phần làm số thu thuế tăng lên. Cụ thể, so với năm 2013, Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng gấp đôi, lên 4,68 triệu đồng/người/tháng (vùng 1) vào ngày 1.7.2022 thì mức giảm trừ gia cảnh có tốc độ điều chỉnh trong 10 năm qua chỉ tăng 22,2%.

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận định mức giảm trừ gia cảnh thời gian qua không phù hợp với tốc độ tăng thu nhập của người làm công ăn lương, cũng như biến động về giá cả hàng hóa dịch vụ. Phần chi tiêu của người dân ngày càng tăng lên nhưng theo luật Thuế TNCN, chỉ số CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nên mới dẫn đến cảnh mức này luôn lạc hậu. Theo kế hoạch điều chỉnh luật Thuế TNCN, đến năm 2025 thì sắc thuế này mới được sửa đổi. Điều này sẽ càng gây thiệt thòi cho người nộp thuế, nhất là người làm công ăn lương.

“Do vậy, năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh tương đương 4 lần lương tối thiểu thì nay mức này phải vào khoảng 19 triệu đồng/người/tháng, còn không ít nhất cũng 15 triệu đồng/người/tháng”, ông Xoa đề xuất.

5 lao động trồng chuối được thưởng tết hơn 500 triệu đồng

Ngày 6.1, Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai cho biết mức thưởng Tết Quý Mão 2023 qua khảo sát dự kiến bình quân hơn 4.200.000 đồng/người. Một số nhân lực lao động trong các doanh nghiệp FDI được thưởng khá cao, từ 40 - 60 triệu đồng/người.

Đặc biệt, lao động trong lĩnh vực trồng chuối thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được thưởng lớn do có thành tích vượt năng suất. Năm 2022, Công ty CP Gia Súc Lơ Pang (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) thu lợi nhuận lớn từ trồng chuối. Tết năm nay, đơn vị thưởng cho 5 lao động tại nông trường có thành tích vượt năng suất với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Nhiều công nhân khác cũng được thưởng cao do năng lực tốt trong quá trình làm việc. Hiện tại, các công ty thành viên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có khoảng 40 nông trường trồng chuối với diện tích hàng nghìn héc ta.

Trần Hiếu

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá số thuế TNCN cả năm 2022 tăng cao cũng là điều phấn khởi, cho thấy dù trong tình hình kinh tế vẫn có nhiều khó khăn, nhiều lao động bị nghỉ việc thì cũng có nhiều người thu nhập gia tăng. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đã dần có nhiều thay đổi để tạo thuận lợi cho người nộp thuế như nộp qua điện thoại di động, qua mạng…

Tuy nhiên, các chính sách về thuế TNCN hiện nay đã không còn phù hợp với diễn biến của kinh tế xã hội. Chính vì vậy, ngay trong năm 2023 Bộ Tài chính cần xem xét để sửa đổi quy định về thuế TNCN để đảm bảo đời sống của người dân được nâng cao hơn. Đó là việc nâng ngưỡng giảm trừ gia cảnh của người chịu thuế và nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc. Đồng thời một số quy định chưa hợp lý cần phải bỏ hoặc phải sửa đổi theo hướng tăng lên như thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng/lần phải đóng thuế. Hay như quy định thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là người phụ thuộc là đã lạc hậu so với chuẩn hộ có mức sống trung bình của cả nước...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.