Người ta thường gọi nghề giáo là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, thế nhưng trong tiềm thức của tôi, nghề giáo có hàng trăm cái khổ, đúc kết từ những quan sát của tôi với ba mẹ mỗi ngày.
Ba mẹ tôi là giáo viên dạy tiểu học, cũng như rất nhiều giáo viên khác, ngoài những giờ dạy chính thức trên trường, ba mẹ tôi còn phải đi dạy kèm ngoài giờ đến 8 giờ tối. Nếu không, với mức lương 4 triệu đồng, ba mẹ không thể nuôi đủ 4 miệng ăn ở đất Sài Gòn.
Mẹ tôi trong tà áo dài nhân ngày Nhà giáo VN |
Mai Thụy |
Trong ký ức xa xưa, tôi thường ngồi co ro một mình trước trường tiểu học đợi mẹ sang rước. Thậm chí, đôi khi người chở tôi về lại là bạn bè đồng nghiệp của ba mẹ, vì ba mẹ không thể nào bỏ lớp học để đến đón tôi. Ngày ấy, những buổi trò chuyện của tôi và ba mẹ là điều gì đó rất xa xỉ, chỉ vỏn vẹn 15 - 30 phút mỗi ngày. Những điều ấy đã làm tôi không tránh khỏi cảm giác ghen tị và tủi hờn khi nhìn thấy bạn bè được ba mẹ quan tâm, đưa rước. Đã bao lần tôi thầm trách: “Tại sao ba mẹ lại dành nhiều thời gian cho học sinh nhưng lại quên chính con mình?”.
Mãi đến đợt dịch Covid-19, vô tình nhìn thấy mẹ ngủ quên bên đống hồ sơ sắp xếp học sinh vào 3 giờ sáng, tôi mới hiểu lý do. Vốn mẹ là hiệu phó của một trường tiểu học ở khu vực tương đối nhiều công nhân, nên việc học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học rất nhiều, nhất là vào giai đoạn Covid-19, khiến mẹ càng thêm đau lòng và trăn trở.
Khoảng thời gian ấy, một số học sinh phải nghỉ học vì gia đình bận đi làm hoặc thiếu thiết bị điện tử tham gia học trực tuyến, một số em lại phải chuyển trường về quê theo bố mẹ… Không chỉ tốn cả ngày trên máy tính bận rộn với đơn chuyển trường của học sinh mà mẹ còn gọi điện thoại đến từng gia đình để thuyết phục phụ huynh cho các em tiếp tục theo học. Tôi vẫn nhớ câu nói chạnh lòng của mẹ khi tâm sự cùng đồng nghiệp: “Học sinh lớp 4, 5 mà dang dở là hỏng cả đời các em, mình phải ráng mà tận tâm với nghề, mà cố gắng động viên phụ huynh”.
Mẹ từng nói với tôi rằng: “Vốn dĩ khi xưa mẹ làm nghề giáo phần lớn cũng vì gia đình định hướng, tuy nhiên, có lẽ đến với nghề là một cái duyên. Càng làm nghề mẹ lại càng mến và thấy yêu học trò, yêu nghề giáo. Nhất là vào ngày 20.11, khi nhận lời chúc từ những lứa học sinh đã qua cả chục năm, mẹ lại càng có quyết tâm cống hiến cho nghề”.
Đến tận bây giờ, đôi khi mẹ tôi vẫn vất vả chạy đôn chạy đáo đến 8, 9 giờ tối với ngổn ngang những báo cáo, mà đồng lương ba mẹ tôi vẫn không khá hơn. Song tôi luôn tự hào khi sinh ra trong gia đình theo nghề giáo. Tự hào khi có ba mẹ xem biết bao thế hệ học sinh như con mình mà hy sinh thời gian cá nhân, công sức để giáo dưỡng nên người.
Bình luận (0)