Lúc đầu, tôi nghĩ đây là một suy nghĩ tiêu cực bởi nếu sống không có hy vọng thì làm sao có động lực vượt qua khó khăn? Nhưng ngẫm lại, điều bạn nói lại đúng trong một số trường hợp.
Khi bạn yêu một người, nếu bạn đặt quá nhiều hy vọng vào người đó thì bạn dễ bị thất vọng vì những gì nhận được. Bởi chẳng ai hoàn hảo và có thể đáp ứng trọn vẹn mong muốn của người yêu. Chưa kể, khi biến cố xảy ra, bạn sẽ rất suy sụp bởi những hy vọng ở tương lai bị vùi lấp một cách tàn nhẫn vì bạn chưa chuẩn bị tâm lý để chấp nhận nó.
Khi bạn đặt quá nhiều hy vọng vào kết quả đạt được của một công việc nào đó, bạn sẽ rơi vào tình trạng chán nản nếu không được như mong muốn. Và có thể, bạn đã thành công ở một phương diện nào đó nhưng không hoàn toàn như bạn từng hy vọng nên thay vì lấy đó làm động lực bạn lại có cảm giác thất vọng.
Nhiều bậc cha mẹ đặt rất nhiều hy vọng vào con cái. Khi lớn lên, đứa trẻ không thành công như mong muốn thì tỏ ra thất vọng, xem như mình đã thất bại. Thậm chí, họ thường so sánh con với những chuẩn mực mình từng đặt hy vọng. Nếu như không quá hy vọng vào con, bạn sẽ nhận thấy mỗi đứa trẻ có một thế mạnh riêng cần phát huy. Và hy vọng quá nhiều vào con cái sẽ dẫn đến những cách giáo dục sai lầm.
Bởi vậy, cuộc sống có hy vọng là điều tốt nhưng không nên đặt hy vọng quá nhiều bất kỳ điều gì vì bạn dễ rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Vậy nên, bạn “đừng tin quá nhiều. Đừng yêu quá nhiều. Đừng hy vọng quá nhiều. Bởi vì những cái quá nhiều ấy có thể khiến bạn tổn thương sâu đậm” (danh ngôn).
Bình luận (0)