Bánh đường đen có hình tròn, mặt trên bằng phẳng, mặt dưới có hình như cái bát lớn, màu đen đậm hoặc vàng đậm và rất cứng. Loại đường đen đúc thành bánh này là lớp đường cuối được cô đặc từ mật mía nằm dưới đáy các nồi nấu đường. Dù đường bánh giá rẻ hơn nhiều so với các loại đường khác, nhưng thời đó không phải nhà nào cũng mua được, trở thành thứ thèm thuồng của mọi đứa trẻ.
Thỉnh thoảng đi chợ, mẹ mua hai bánh đường đen úp vào nhau gói trong rơm hoặc lá chuối khô đặt trong gác bếp. Đường bánh dùng để nấu ăn như kho cá, nấu chè, làm bánh, nấu cháo và ăn với cơm đều ngon. Do đường bánh rất cứng nên mỗi lần dùng phải lấy dao phay chặt nhỏ bánh đường ra thành từng miếng nhỏ. Lâu lâu mẹ mới cho mỗi đứa một miếng đường, đứa nào cũng chỉ dám mút chứ không dám cắn vì sợ nhanh hết. Thời đó, kẹo bánh hiếm hoi nên chúng tôi đều thèm ngọt, được cắn ngập răng một miếng đường đen trở thành niềm ao ước của bất kỳ đứa nào.
Có lần, em trai tôi lén mẹ ăn vụng đường, trên bánh đường còn in rõ dấu răng cắn nham nhở nhưng mẹ dường như tỏ ra không biết. Thấy mẹ không phát hiện, nó tiếp tục ăn vụng đường đến một lần răng cửa lung lay sắp rụng, do cắn đường bánh nên gãy luôn làm cu cậu kêu khóc ầm ĩ, sợ quá mới thú nhận chuyện ăn đường trong bếp. Sau lần đó, mẹ luôn chặt đường bánh ra thành miếng nhỏ hình tam giác để sẵn trong hũ, muốn ăn có thể lấy một cục ngậm đến khi tan hết.
Bây giờ cuộc sống khá giả hơn, chẳng ai dùng đường bánh để nấu chè, kho cá mà chỉ dùng đường tinh luyện màu trắng. Nhưng phải công nhận cá kho, chè đậu nấu bằng đường bánh đậm đà hơn. Riêng với tôi, bánh đường đen trở thành một ký ức ngọt ngào trong những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn nhưng đong đầy hạnh phúc.
Bình luận (0)