Tôi đến thành phố cảng Hakodate sau 5 tiếng ngồi tàu từ thành phố Sapporo. Người Nhật gọi Hakodate là phố biển lịch sử của Bắc Hải Đạo (Hokkaido) bởi nơi đây là một trong ba thương cảng đầu tiên của đất nước mặt trời mọc mở ra giao thương với các quốc gia bên ngoài vào năm 1854 theo Hiệp ước Kanagawa.
tin liên quan
Nước Nhật thu nhỏ tại Quan’s Sushi giữa Sài GònTrong một bộ phim tài liệu nói về huyền thoại làm sushi tại Nhật, người ta đã đặt ra câu hỏi vui “liệu ai đó có thể yêu một miếng cá hơn một cô gái không?” và câu trả lời được nhiều người tìm thấy khi đến với Quan’s Sushi (Q.5, TP.HCM).
Trong cơn tuyết rơi mù trời lúc chiều tối, đôi bạn trẻ người Nhật chung chuyến tàu nhiệt tình hướng dẫn tôi tìm khách sạn qua đêm giá rẻ cùng lời tạm biệt “Nhớ thử ăn sushi theo cách truyền thống của người Hokkaido!”. Bởi cho dù sushi là món quốc hồn quốc túy có mặt khắp nơi ở đất nước phù tang nhưng không đâu ngon bằng ở Hokkaido.
Không một chuyên gia ẩm thực nào khẳng định được sushi có nguồn gốc từ quốc gia nào trong khu vực Đông Bắc Á, chỉ biết xưa kia những người bản địa trong vùng đã có tập tục dùng cơm quấn với những loại thủy hải sản nấu chín để làm lương thực dự trữ trong mùa đông buốt giá. Trong thuở hồng hoang ấy, muốn ăn sushi, những người bản địa phải hấp chín những thanh cơm quấn chặt vốn đã khô cứng bởi những cơn tuyết rơi dày đặc.
Các chuyên gia cho rằng, có lẽ sushi có nguồn gốc từ nền văn minh sông Hoàng Hà của người Trung Quốc vào thế kỷ 2. Rồi đến khi người Nhật phát hiện ra công dụng của rượu nếp và giấm nuôi có tác dụng làm mềm những hạt cơm trong điều kiện thời tiết lạnh do hoạt động của các loài vi khuẩn lên men ở điều kiện yếm khí thì sushi trở thành món ăn đặc sản mang bản quyền sáng chế của người Nhật.
|
Không giống như hòn đảo trung tâm hay các hòn đảo khác nằm về phía nam nước Nhật, Hokkaido bị ảnh hưởng dòng biển lạnh từ vịnh Alaska giao thoa với Thái Bình Dương, vì vậy thủy hải sản chứa rất nhiều chất bổ dưỡng, ngọt thịt và rất mềm mại.
Những thổ dân Ainu xưa kia sinh sống trên hòn đảo thường có tập tục thái mỏng và ăn sống các loại hải sản đánh bắt được cùng với cơm trắng. Để tạ ơn vị Mạc Phủ Tokugawa (giai đoạn Eido) mở cửa biển giúp giao thương ra thế giới bên ngoài, người Hokkaido đã làm sushi dâng hiến cho hoàng gia và sau đó phổ biến khắp nước Nhật vào giữa thế kỷ 19.
Trong thời đó người Nhật gọi món cơm được bện chặt xắt thành những thỏi nhỏ xinh xắn và đặt những miếng hải sản tươi bên trên là Eido sushi. Dùng một món ăn đúng nơi cội nguồn xuất phát bao giờ cũng ngon hơn những nơi khác là vậy. Nụ cười cùng với lời giải thích nhẹ nhàng của cô tiếp tân khách sạn Ekimae giúp tôi hiểu được tại sao sushi hay các loại hải sản khác ở Hokkaido được người Nhật đánh giá là ngon nhất trên bốn hòn đảo chính.
Sáng hôm sau, tôi lang thang đến khu chợ Donburi Yokocho để thử qua những loại hải sản tươi, đặc biệt là sushi xem có đúng như những gì người Nhật đã đồn đại về hương vị món ăn quốc hồn quốc túy của họ không. 72 năm đã đi qua, người Hokkaido vẫn giữ lại nét truyền thống văn hóa lâu đời của ngôi chợ cùng với quan điểm hạnh phúc rất riêng của mình: chỉ nhóm chợ vào mỗi buổi sáng lúc 8 giờ và kết thúc lúc 12 giờ.
Tùy theo mùa trong năm mà người Hokkaido rất sành điệu trong việc thưởng thức những món quà được thiên nhiên ban tặng từ dòng biển lạnh Alaska: mùa xuân thưởng thức những chú cua lông nướng than hoa ngọt săn chắc thịt, mùa hè dùng những chú mực nang múp míp, mùa thu ngọt ngào với những miếng cá hồi và trứng béo ngậy rồi mùa đông nhất định phải xơi tái những chú hàu căng đầy, no tròn trong những mảnh vỏ.
|
|
Những tiếng í ới chào mời, những nụ cười tươi roi rói cùng với hương vị thơm lừng của những món nướng lan tỏa khắp nơi trong khu chợ Donburi Yokocho càng làm bao tử tôi cồn cào. Người mua cứ chọn lựa cho mình những chú tôm càng tươi, những con cua lông khổng lồ… được thả trong bể nước tự nhiên và chờ đợi người bán nướng tại chỗ để được thưởng thức.
Liếc nhìn sơ qua bảng giá được niêm yết, tôi hơi chùng lòng khi so giá cả với khu chợ hải sản San Francisco, Mỹ. Cùng trọng lượng, giá một con cua ở San Francisco chỉ độ chừng 10 USD trong khi tại đây lại là 25 USD. Tuy nhiên tôi đã không nhầm khi bấm bụng mua một chú cua lông thưởng thức cho bữa ăn sáng. Thịt cua mềm, ngọt và rất thơm!
Bữa trưa, tôi lại phải làm tư tưởng bản thân khi quyết định dùng món sushi tuyệt hảo của Hokkaido, bởi một chén sushi quá đắt đỏ với giá 22 USD. Từ nhà hàng lớn cho đến quán ăn bình dân trong chợ hải sản Donburi Yokocho đều phục vụ sushi đúng cách những thổ dân Ainu đã sáng tạo ra.
Lớp cơm trắng dẻo mềm nằm dưới cùng trong những chiếc bát sứ xinh xắn đậm chất phù tang và bên trên là những lát hải sản thái mỏng. Gọi là tuyệt hảo bởi những miếng hải sản không tanh (kể cả cầu gai), có mùi vị thơm rất riêng cho từng loại, vô cùng mềm mại và cứ tan chảy như bánh đậu xanh được đánh mịn trên đầu lưỡi.
Gọi món sushi Hokkaido là tuyệt hảo bởi tôi đành bất chấp giá cả để muốn được ăn thêm một chén nữa dù bụng báo tín hiệu đã đủ no!
Bình luận (0)