Trong phiên thảo luận quyết toán ngân sách 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 15.6, không dưới một lần Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình rằng hơn 36.000 tỉ đồng trên đã được tính vào nợ công. Cần nhắc lại rằng, năm 2013 Quốc hội quyết mức bội chi 5,3% GDP, nhưng Chính phủ khi thực hiện lên tới 6,61% GDP.
Quyết toán ngân sách lâu nay vẫn được coi như việc đã rồi, theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” vì dù sao tiền thì cũng đã tiêu rồi. Nhưng lần này có vẻ UBTVQH kiên quyết không chấp nhận. Điều đó cho thấy cơ quan cao nhất đã nhìn rõ một nền kinh tế mà bội chi ngân sách triền miên, thiếu lành mạnh, kỷ luật tài chính chưa nghiêm... Nếu cứ tiếp tục “thỏa hiệp” hay “thương” thì tiền thuế của dân sẽ luôn đội nón ra đi, nợ công sẽ tiếp tục tăng cao.
Hẳn Bộ Tài chính cũng đã biết rất rõ, nợ công trong giai đoạn 2011 - 2015 gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Cuối năm 2015 là 2,6 triệu tỉ đồng, gấp 1,9 lần năm 2011. So với, GDP chiếm 62,2%, đang áp sát ngưỡng an toàn 65%. Nhưng đó mới là theo chuẩn của VN, còn theo thông lệ quốc tế thì nợ công của VN ngoài 2,6 triệu tỉ đồng ở trên cần phải cộng thêm nợ của: Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nợ địa phương, bảo hiểm xã hội...
Theo tính toán của nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính nước ngoài, con số nợ công không như cơ quan chức năng đã tính toán, mà ở mức rất cao, vượt xa trần cho phép. Con số này thực sự rất đáng báo động. Và nó cũng lý giải vì sao khi Bộ trưởng Tài chính giải thích rằng con số 36.000 tỉ đồng Chính phủ lạm chi đã được tính vào nợ công. Cách giải thích đó, làm sao UBTVQH gật đầu cho được!
Mỗi người dân VN hiện đang gánh 29 triệu đồng nợ công, nếu năm nào ngân sách cũng bị bội chi vượt mức, đầu tư không có hiệu quả, thất thoát, lãng phí, tham nhũng chưa được đẩy lùi thì nguy cơ vỡ nợ là hiện hữu. Đời con, đời cháu sau này chắc chắn sẽ còng lưng gánh nợ. Chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ... khoản nào cũng cần thiết nhưng cần phải biết “liệu cơm gắp mắm”.
Một nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, mọi hành động phải theo pháp luật, không để lòng “thương” vượt lên tất cả.
Chấp nhận quyết toán cho các khoản lạm chi thực chất là buông lỏng kỷ luật ngân sách, là thiếu trách nhiệm, là không “thương” tiền thuế của người dân. Những khoản lạm chi, chi vượt dự toán không được giải trình hợp lý cần phải loại ra và cần có người chịu trách nhiệm và được xử lý một cách nghiêm minh, công khai.
Bình luận (0)