Dự luật cần đến 60 phiếu để được thông qua, cho phép chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 3.12 và đình chỉ việc áp trần nợ công cho đến tháng 12.2022. Tuy nhiên với chỉ 50 phiếu thuận và 48 phiếu chống, dự luật này đã bị chặn lại ở Thượng viện vào ngày 27.9, CNN đưa tin. Không thượng nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ dự luật này.
Ngân sách của chính phủ Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 30.9. Dự luật vừa bị chặn lại ở Thượng viện sẽ mở rộng ngân sách, giúp chính phủ tiếp tục hoạt động đến ngày 3.12. Ngoài ra, vì chính phủ Mỹ sẽ hết khả năng thanh toán các khoản chi vào tháng 10, dự luật còn bao gồm việc hoãn áp trần nợ công đến tháng 12.2022.
Tuy nhiên, do dự luật không được thông qua, chính phủ Mỹ đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa và vỡ nợ cùng một lúc. Tình trạng bế tắc này diễn ra do đảng Cộng hòa không chấp nhận việc nâng trần nợ công và yêu cầu đảng Dân chủ tự tìm cách làm điều này.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, tuyên bố họ sẵn sàng thông qua dự luật ngăn chính phủ đóng cửa miễn là nó không gắn với việc nâng trần nợ.
Trong khi đó, phe Dân chủ cho rằng việc nâng trần nợ là trách nhiệm của cả hai đảng và gắn nó với ngân sách mới để buộc đảng Cộng hòa thông qua.
Với việc dự luật không được Thượng viện thông qua, các lãnh đạo đảng Dân chủ tại quốc hội đang phải chạy nước rút để tìm ra kế hoạch B trước ngày 30.9 để ngăn chính phủ đóng cửa. Hiện tại, họ vẫn chưa thông báo kế hoạch nào.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 27.9, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, hứa sẽ có "hành động tiếp theo" trong tuần này nhưng không cho biết chi tiết.
CNN nhận định đảng Dân chủ có khả năng sẽ bỏ việc hoãn áp trần nợ khỏi dự luật chi tiêu cho chính phủ Mỹ để quốc hội có thể nhanh chóng thông qua trước hạn 30.9. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ động thái tiếp theo của hai phe.
Bình luận (0)