Thương vụ mua đứt Twitter của tỉ phú Elon Musk

Ngọc Mai
Ngọc Mai
27/04/2022 08:32 GMT+7

Sau nhiều tuần đồn đoán, Twitter đã chấp nhận đề nghị mua lại của tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk với giá 44 tỉ USD, qua đó biến mạng xã hội này thành công ty tư nhân.

Thông tin về thương vụ thâu tóm khổng lồ được đưa ra ngay lập tức trở thành đề tài bàn luận sôi nổi. Người mua là tỉ phú giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản ròng khoảng hơn 270 tỉ USD. Còn Twitter, ra đời vào năm 2006, chính là một trong số nền tảng mạng xã hội lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay với hàng trăm triệu tài khoản người dùng.

Thương vụ chấn động

Thỏa thuận đã được hội đồng quản trị Twitter thông qua và dự kiến hoàn tất trong năm nay. Theo đó, tỉ phú Musk sẽ trả 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu của Twitter, giống như đề nghị ban đầu của ông đối với Twitter. Thương vụ mua đứt Twitter có giá lên tới 44 tỉ USD, theo Bloomberg. Trước đó, ông Musk đã mua và nắm giữ 9% cổ phần mạng xã hội này, tương đương 2,9 tỉ USD.

“Twitter đã tiến hành một quy trình toàn diện để đánh giá đề xuất của ông Elon với trọng tâm là giá trị, sự chắc chắn và tài chính”, ông Bret Taylor, Chủ tịch hội đồng quản trị Twitter, thông báo đồng thời gọi thỏa thuận này là “con đường tốt nhất về phía trước cho các cổ đông của Twitter”.

Tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk

REUTERS

Việc ông Musk đảm bảo với hội đồng quản trị Twitter chuyện huy động được khoản tài chính khổng lồ để mua công ty được xem là một bước ngoặt quan trọng buộc hội đồng quản trị mạng xã hội này xem xét nghiêm túc đề nghị của ông. Gió đã đổi chiều dù trước đó vào giữa tháng 4, Twitter thông qua chiến lược “viên thuốc độc” nhằm hạn chế khả năng tăng cổ phần của tỉ phú Musk, thậm chí là chặn cá nhân thâu tóm công ty. “Viên thuốc độc” khi đó muốn làm loãng cổ phần của bất kỳ ai đang tích lũy hơn 15% cổ phần của công ty bằng cách bán nhiều cổ phiếu hơn cho các cổ đông khác với mức chiết khấu hấp dẫn.

Tôi mua Twitter không phải để kiếm tiền... Tôi làm là vì tương lai của nền văn minh chứ không quan tâm đến vấn đề kinh tế.

Elon Musk

Với việc đồng ý bán cho tỉ phú Musk, Twitter sẽ trở thành công ty tư nhân, đồng thời chấm dứt những biến động và đồn đoán nhiều tuần qua. Giao dịch trong thương vụ này sẽ bằng tiền mặt. Theo thông tin từ các hãng thông tấn Mỹ, ông Musk sẽ huy động tiền mặt cá nhân lẫn vay nợ từ các ngân hàng và vay thế chấp trên lượng cổ phiếu hãng xe điện Tesla của ông.

Tại sao ông Musk mua Twitter ?

Nỗ lực thâu tóm mạng xã hội Twitter của tỉ phú giàu nhất thế giới được ông khẳng định không phải vì vấn đề kinh tế. Ông Musk tuyên bố muốn “mở khóa” tiềm năng to lớn của Twitter. Tại hội nghị TED diễn ra giữa tháng 4, ông nói: “Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải có một nền tảng toàn diện cho quyền tự do ngôn luận. Twitter đang trở thành một quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận và là nơi mọi người có thể tự do thể hiện quan điểm trong giới hạn của luật pháp”.

Tỉ phú Mỹ còn nhấn mạnh: “Tôi mua Twitter không phải để kiếm tiền… Ý thức trực giác mạnh mẽ của tôi rằng có một nền tảng cộng đồng được tin tưởng tối đa và bao trùm rộng rãi là cực kỳ quan trọng. Tôi làm là vì tương lai của nền văn minh chứ không quan tâm đến vấn đề kinh tế”. Trong những lần chia sẻ về kế hoạch mua lại mạng xã hội này, ông Musk cũng cho biết muốn làm cho Twitter “tốt hơn bao giờ hết”.

Dự báo nhiều thay đổi

Khi chính thức sở hữu Twitter, ông Musk được dự đoán sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với mạng xã hội này trong tương lai. Trước hết, quan điểm liên quan đến tự do ngôn luận, có thể sẽ được ông Musk tham gia xử lý, thay đổi một số chính sách quản lý và kiểm duyệt nội dung cũng như các quyết định liên quan đến cấm cửa tài khoản người dùng vĩnh viễn.

Trước đây, một số tỉ phú cũng từng mua quyền kiểm soát các tờ báo, trang truyền thông có quy mô ảnh hưởng lớn ở Mỹ.

Có thể kể đến như tỉ phú Rupert Murdoch từng mua lại tờ New York Post vào năm 1976 và The Wall Street Journal vào năm 2007. Năm 2013, tỉ phú Jeff Bezos mua lại tờ The Washington Post.

Ông Musk từng nêu quan điểm rằng những bình luận hay chủ đề vẫn trong vùng xám (tức chưa vi phạm pháp luật) thì không nên bị xóa khỏi mạng xã hội Twitter. Tuyên bố này nhanh chóng trở thành đề tài gây tranh cãi khi hiện Twitter đang cấm các nội dung liên quan bạo lực, gây tổn thương, cũng như quy định chặt để chống lan truyền tin giả về Covid-19.

Báo chí Mỹ dẫn lời các chuyên gia bày tỏ lo ngại sự nới lỏng quy định có thể dẫn đến những tác động lớn với cộng đồng. Mặc dù không có lượng người dùng nhiều bằng Facebook nhưng Twitter được cho là có sức ảnh hưởng rất lớn và là nơi được nhiều chính trị gia, nhân vật có tầm cỡ lựa chọn để bày tỏ quan điểm, công khai chính sách, thậm chí tạo diễn đàn tranh luận.

Sự thay đổi tiếp theo được cho là nằm ở các tính năng, thuật toán của Twitter hiện nay, bao gồm việc chỉnh sửa dòng tweet. Tuy nhiên, điều khiến người dùng và giới chuyên gia lo ngại hơn là vấn đề quyền riêng tư và sự an toàn với dữ liệu người dùng. Hiện chưa có thông tin hay chính sách gì được phía ông Musk đưa ra liên quan đến vấn đề này. Các chuyên gia cho rằng cá nhân ông Musk khi sở hữu Twitter cũng đồng nghĩa với việc có khả năng kiểm soát được nhiều dữ liệu người dùng “nhạy cảm” hơn so với các công ty mà ông đang điều hành như Tesla hay SpaceX.

Ông Trump không trở lại Twitter

Từng là nhà lãnh đạo hoạt động sôi nổi và được quan tâm nhất trên Twitter, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được kỳ vọng tái xuất trên mạng xã hội này sau thông tin tỉ phú Musk mua lại. Ông Trump bị xóa tài khoản vĩnh viễn sau vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ hồi tháng 1.2021 với lý do Twitter đưa ra là nguy cơ ông “kích động thêm bạo lực”.

Trên kênh Fox News hôm qua, ông Trump tuyên bố không có kế hoạch quay lại sử dụng Twitter mà tiếp tục tập trung vào Truth - mạng xã hội do ông tự lập nên. Dù vậy, ông Trump gọi tỉ phú Musk là người đàn ông tốt và tin sẽ giúp cải thiện dịch vụ của Twitter.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.