Gần đây, Thụy Điển gây nhiều chú ý khi cùng với Phần Lan tuyên bố ý định gia nhập liên minh quân sự NATO. Nếu như gia nhập NATO, Thụy Điển không còn là một quốc gia trung lập như chính sách nước này thể hiện lâu nay. Thực tế, suốt nhiều năm qua, Thụy Điển không chỉ phát triển thành công ngành công nghiệp quốc phòng, mà còn xuất khẩu nhiều loại vũ khí tối tân cho các nước. Trong những năm gần đây, Thụy Điển thường được xếp ở vị trí từ 12 - 15 trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.
Cung cấp cả vũ khí cho Mỹ
Xe chiến đấu bộ binh CV90 của Thụy Điển |
Jorcher |
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển năm tài khóa 2020-2021 đạt 16,3 tỉ krona (SEK), tương đương khoảng 1,7 tỉ USD, với số lượng khoảng 56 nước tiếp nhận vũ khí. Trong đó các khách hàng lớn nhất là UAE với doanh số 3,26 tỉ SEK (khoảng 340 triệu USD), Mỹ với 2,45 tỉ SEK (khoảng 255 triệu USD), Brazil với 1,94 tỉ SEK (khoảng 200 triệu USD)...
Cũng theo SIPRI, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển năm tài khóa 2019-2020 cũng khoảng 16,3 tỉ SEK nhưng cơ cấu khách hàng khác khá nhiều. Cụ thể, trong số 58 nước mua vũ khí từ Thụy Điển trong năm 2019, đứng đầu là Brazil với 3 tỉ SEK (khoảng 313 triệu USD), tiếp theo là Mỹ với 1,71 tỉ SEK (khoảng 178 triệu USD), UAE với 1,36 tỉ SEK (khoảng 142 triệu USD) và Pakistan với 1,35 tỉ SEK (khoảng 141 triệu USD), Ấn Độ với 893 triệu SEK (khoảng 93 triệu USD).
Suốt nhiều năm qua, danh mục khí tài do Thụy Điển xuất khẩu cũng khá đa dạng, từ phụ tùng chiến đấu cơ, các loại radar, hệ thống tác chiến điện tử, cảnh báo trên không… đến xe bọc thép, xe chiến đấu bộ binh, tên lửa, chiến đấu cơ, tàu chiến và cả tàu ngầm. Trong đó, Mỹ là khách hàng mua các loại lựu pháo trang bị cho hải quân và hệ thống pháo phản lực do Thụy Điển cung cấp.
Danh mục “đồ chơi” đa dạng
Năm ngoái, sau một thời gian bị đình trệ, Tập đoàn Saab (Thụy Điển), chuyên về công nghiệp quốc phòng và hàng không, được chính phủ nước này đặt hàng để tiếp tục phát triển tàu ngầm lớp A26, dự kiến giao hàng vào năm 2027 hoặc 2028. Không chỉ trang bị cho hải quân Thụy Điển, tàu ngầm lớp A26 còn được Saab giới thiệu cho một số quốc gia.
Chiến đấu cơ Saab JAS 39 Gripen |
Tuomo Salonen |
Tham vọng đó không hề xa vời vì Thụy Điển thực tế đã bán tàu ngầm hoặc chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm cho nhiều nước như: Úc, Singapore, Đan Mạch. Trong đó, tàu ngầm lớp Collin mà Úc đang sử dụng do nước này tự đóng nhưng có nguồn gốc thiết kế từ lớp tàu ngầm Västergötland của Thụy Điển. Hiện tại, hải quân Singapore được trang bị 2 tàu ngầm lớp Archer vốn cũng xuất phát từ lớp Västergötland. Trước lớp Archer, Singapore từng sở hữu tàu ngầm lớp Challenger vốn xuất xứ từ lớp Sjöormen cũng của Thụy Điển.
Trong một bài phân tích trên chuyên san The National Interest gần đây, tàu ngầm sử dụng động cơ điện kết hợp diesel của Thụy Điển được đánh giá là tốt nhất nhì thế giới. Về tàu chiến, khinh hạm lớp Visby của nước này cũng được đánh giá rất cao, được nhiều nước quan tâm.
Thụy Điển cũng làm chủ công nghệ sản xuất chiến đấu cơ và nổi bật với dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm JAS 39 Gripen của Tập đoàn Saab. Ra đời cuối thập niên 1980, JAS 39 Gripen đã được cung cấp cho nhiều nước như Cộng hòa Czech, Hungary, Nam Phi, Thái Lan, Brazil. Không những vậy, dòng chiến đấu cơ này còn đang được xem xét đặt hàng bởi nhiều nước như Philippines, Áo, Ấn Độ, Indonesia… Có tốc độ tối đa cao gấp đôi vận tốc âm thanh, JAS 39 Gripen đạt tầm tác chiến khoảng 800 km, có thể mang theo nhiều loại tên lửa khác nhau như tên lửa tấn công mặt đất, tên lửa chống tàu chiến, tên lửa đối không… và nhiều loại bom hiện đại khác.
Một khinh hạm lớp Visby |
Jesper Olsson |
Không chỉ có tàu chiến hay chiến đấu cơ, xe chiến đấu bộ binh CV90 của Thụy Điển cũng rất nổi tiếng. CV90 có thể trang bị nhiều loại pháo điều khiển tự động với cỡ nòng 40 mm, súng máy, súng phóng lựu… kết hợp cùng nhiều công nghệ tác chiến hiện đại. CV90 có thể hoạt động đa dạng trên nhiều địa hình với vận tốc tối đa khoảng 70 km/giờ và hiện được sử dụng ở nhiều nước như Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy. Thậm chí Mỹ cũng đang xem xét đặt mua mẫu xe chiến đấu bộ binh này nhằm nâng cấp khí tài cho lục quân.
Về vũ khí dành cho lục quân, Thụy Điển cũng cung cấp nhiều loại pháo, pháo tự hành, tên lửa… Ngoài ra, vũ khí do nước này sản xuất còn có tên lửa chống máy bay RBS 70 đang được quân đội của gần 20 quốc gia sử dụng, tên lửa chống tăng NLAW được nhiều nước đặt mua và Ukraine vừa qua cũng đã dùng NLAW để đối phó quân đội Nga.
Nga đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân, bội siêu thanh nếu Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO |
Nga cảnh báo việc Thụy Điển, Phần Lan dự định gia nhập NATO
Lo ngại khả năng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng Nga có thể điều động vũ khí hạt nhân đến gần các nước vùng Baltic và Scandinavia, theo AFP ngày 15.4. “Một cách tự nhiên, Nga sẽ phải củng cố biên giới. Trong trường hợp này, sẽ không còn có thể nói thêm về tình trạng phi hạt nhân ở Baltic. Sự cân bằng phải được khôi phục”, ông phát biểu và ám chỉ việc Nga sẽ phải điều vũ khí hạt nhân đến khu vực, tăng cường lực lượng hải, lục, không quân đến vịnh Phần Lan. Trước đó, ngày 13.4 Phần Lan cho biết sẽ quyết định về khả năng gia nhập NATO “trong vòng vài tuần”, trong khi Thụy Điển cũng cân nhắc việc gia nhập.
Khánh An
Bình luận (0)