Thủy điện miền Bắc phát điện cầm chừng, nhiệt điện vẫn nhiều sự cố

19/06/2023 23:17 GMT+7

Nhiều nhà máy thủy điện lớn ở miền Bắc vẫn đang phát điện cầm chừng để dự trữ nước cho những ngày nắng nóng sắp tới, trong khi đó, nhiều tổ máy nhiệt điện gặp sự cố, đang khẩn trương khắc phục để sớm vận hành phát điện trở lại.

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ngày 19.6, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, cho biết các tỉnh Bắc bộ đã bước vào mùa mưa lũ. Thế nhưng, mực nước về hồ chứa thủy điện chưa nhiều, vẫn ở mức thấp.

Thủy điện miền Bắc phát điện cầm chừng, nhiệt điện vẫn nhiều sự cố - Ảnh 1.

Nhiều hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã thoát mực nước chết nhưng vẫn phát điện cầm chừng

EVN

Cụ thể, trong ngày 18.6, lưu lượng nước về hồ thủy điện Lai Châu là 810 m3/s; hồ thủy điện Sơn La là 251 m3/s; hồ thủy điện Hòa Bình 857 m3/s; hồ thủy điện Thác Bà 128 m3/s; hồ thủy điện Tuyên Quang là 253 m3/s; hồ thủy điện Bản Chát 85 m3/s.

Theo dự báo, lượng nước bổ sung về các hồ thủy điện ở miền Bắc chưa cao trong thời gian tới, các nhà máy ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành; đồng thời dự trù cho những ngày nắng nóng sắp tới.

Đối với nguồn cung từ nhiệt điện, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến nay vẫn còn một số tổ máy gặp sự cố, phải tạm dừng phát điện, ảnh hưởng đến nguồn cung điện ở miền Bắc.

Cụ thể, một số tổ máy nhiệt điện than phải giảm phát do sự cố như: Nhiệt điện Thăng Long có 1 tổ máy phát điện vào lúc 9 giờ 40 ngày 18.6 nhưng sau đó đến 11 giờ 34 lại bị sự cố trở lại. Ngoài ra, Nhiệt điện Mông Dương 1 ngừng phát do sự cố tổ máy 1 lúc 16 giờ 15 và lúc 22 giờ 12 đã hòa lưới lưới trở lại một phần. Ngoài ra, tổ máy S1 Nhiệt điện Nghi Sơn cũng đang ngừng hoạt động để xử lý sự cố. Trước đó, đêm 18.6, tổ máy S3 nhiệt điện Ninh Bình đã hoà lưới sau sự cố ngày 16.6.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Khúc Ngọc Chinh, Phó tổng giám đốc Công ty nhiệt điện Thăng Long, cho biết Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được thiết kế với công suất 600 MW (bao gồm 2 tổ máy mỗi tổ máy có công suất thiết kế 300 MW). 

Từ đầu năm nay, Nhà máy nhiệt điện Thăng Long phát điện tương đối ổn định, về cơ bản luôn cố gắng phát điện theo yêu cầu được huy động của Trung tâm Điều độ quốc gia (A0). Đến hết 18.6, Nhà máy nhiệt điện Thăng Long đã phát và bán lên lưới điện 500 kV với sản lượng là 1.565.581.000 kWh.

Đối với tổ máy số 1, từ đầu năm đến nay đã 2 lần gặp phải sự cố. Trong đó, sự cố vừa qua liên quan đến đường tuần hoàn liệu 401, dự kiến khắc phục trong khoảng 5 - 6 ngày. "Nhà máy nhiệt điện Thăng Long sẽ cố gắng với trách nhiệm cao nhất để sớm đưa tổ máy số 1 hoạt động với công suất cao nhất", ông Chinh nói.

Trong bối cảnh nguồn cung điện cho khu vực miền Bắc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Bộ Công thương và EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa trong bối cảnh các hồ thủy điện gặp khó khăn.

Bộ Công thương và EVN đang đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung - Bắc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện...

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 20.6: Năm 2024 sẽ tăng phí đăng kiểm | Trung Quốc tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo

Bình luận (3)

avatar-user
PMTfP8QQ7hGWZABQVraSnA

Nói thì nói mình bênh điện lực. Nhưng cắt điện, các nhà giàu mua máy phát điện về chạy cho sướng vì kinh doanh, vì sức khoẻ,...không than lắm, trong khi tính ra giá điện gần 10.000đ/kwh. Nhưng điện lực tăng vài trăm đồng 1 kwh thì lại ầm ĩ lên.

Trả lời 0 2 năm trước
avatar-user
Medal nguyen

Cần có nhiều EVN, nhiều A0 của nhiều thành phần kinh tế tham gia để cùng nhau cạnh tranh bình đẳng, kích thích việc sản xuất, truyền tải điện đáp ứng được nhu cầu, hạn chế được việc phụ thuộc nước ngoài.

Trả lời 1 2 năm trước
avatar-user
Kim Trần

Ao (điều độ mạng điện cả nước) thì chỉ có một thôi bạn, cho mỗi khu vực Nam Trung Bắc có A2 A3 A1. Tính riêng khu vực Miền Bắc hiện đã có 24 ông chủ của các nhà máy nhiệt điện, trong đó EVN chiếm 38% công suất nhiệt điện. Không có cản trở nào đối với tư nhân đầu tư sản xuất điện, đã có sàn thị trường mua bán điện cạnh tranh đó, nhưng tư nhân và FDI không mặn mà vì giá điện thấp không hấp dẫn.

Trả lời 2 năm trước
avatar-user
Tuấn Trần

Nhiều nhà máy nhiệt điện tại VN xây dựng cách nay vài chục năm, công nghệ có phần hạn chế so với hiện tại, tỷ suất phát điện so với tiêu hao nguyên liệu cao, phát thải nhiều; vận hành, khai thác thời gian dài... đã đến lúc trung, đại tu thậm chí cho "nghỉ hưu", rất cần kinh phí duy tu, thay thế linh kiện trong khi EVN đang khó khăn về tài chính.

Trả lời 0 2 năm trước
Xem thêm bình luận
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.