Ủy ban Đối ngoại, do đảng AK của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kiểm soát, đã tiến hành bỏ phiếu sau khoảng 4 giờ tranh luận hôm 26.12, qua đó ủng hộ nỗ lực của Thụy Điển. Ủy ban từng trì hoãn việc bỏ phiếu về vấn đề kết nạp Stockholm vào NATO sau cuộc tranh luận vào ngày 16.11, theo Reuters.
Bước tiếp theo là bỏ phiếu tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đảng của ông Erdogan cũng chiếm đa số. Cuộc bỏ phiếu này có thể được tổ chức sau vài tuần nữa và dự kiến yêu cầu của Stockholm cũng sẽ được thông qua. Ông Erdogan sau đó sẽ ký thành luật, khép lại quá trình đã khiến một số đồng minh của Ankara thất vọng và thử thách quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước phương Tây.
Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Fuat Oktay nói rằng việc bỏ phiếu tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không diễn ra nhanh chóng và chủ tịch quốc hội sẽ là người quyết định thời gian tổ chức.
"Quyết định đệ trình vấn đề này (Thụy Điển gia nhập NATO) tại quốc hội đã được đưa ra, nhưng điều này không nên được hiểu là (dấu hiệu) rằng vấn đề sẽ được thông qua tại quốc hội với tốc độ tương tự. Không có chuyện đó", ông Oktay nói với các phóng viên. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến có kỳ nghỉ hai tuần vào đầu tháng 1.
Trong tuyên bố sau diễn biến mới nhất ở Ankara, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Stockholm hoan nghênh động thái này và mong muốn được gia nhập NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu hiện bao gồm 31 thành viên.
Chiến thuật của NATO “không giúp được gì” cho Ukraine
Ông Boris Ruge, Trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, cho biết trên X (Twitter) rằng sự chấp thuận của Ủy ban Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ là "tin tuyệt vời".
Thụy Điển và Phần Lan chính thức đăng ký gia nhập NATO vào tháng 5.2022 giữa những lo ngại nảy sinh từ xung đột Nga - Ukraine, qua đó từ bỏ lập trường trung lập về quân sự mà hai nước Bắc Âu đã duy trì lâu năm.
Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4, song Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Hungary đã trì hoãn nỗ lực của Thụy Điển. Ankara cáo buộc Stockholm không coi trọng các quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cuộc chiến chống lại lực lượng người Kurd và các nhóm khác mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh.
Hành động của Ankara đã khiến các đồng minh trong NATO thất vọng. Quốc hội các nước này đã nhanh chóng phê chuẩn cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh, song việc kết nạp thành viên mới cần sự phê chuẩn của quốc hội toàn bộ các thành viên hiện tại trong NATO.
Bình luận (0)