"Không nên đánh giá cuộc chiến Israel - Palestine với tâm lý mắc nợ. Tôi thoải mái lên tiếng vì chúng tôi không nợ Israel bất cứ điều gì", Tổng thống Erdogan nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước khi hai nhà lãnh đạo bắt đầu hội đàm tại Berlin hôm 17.11, theo Reuters.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói: "Những người cảm thấy mắc nợ Israel không thể thoải mái lên tiếng. Chúng tôi không trải qua Holocaust (nạn diệt chủng người Do Thái ở châu Âu trong Thế chiến 2), chúng tôi không rơi vào hoàn cảnh như vậy, bởi vì sự tôn trọng của chúng ta đối với nhân loại có khác biệt".
Hồi đầu tuần, ông Erdogan đã leo thang chỉ trích nhằm vào Israel, cáo buộc Israel là "nhà nước khủng bố", phạm tội ác chiến tranh ở Gaza, và rằng chiến dịch chống lại Hamas bao gồm "các cuộc tấn công nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người".
Phát biểu của ông Erdogan ở Berlin đã đụng chạm đến căn tính nước Đức sau Thế chiến 2, vốn xoay quanh ý thức trách nhiệm sâu sắc về Holocaust. Đức Quốc xã đã giết hại một cách có hệ thống 6 triệu người Do Thái và 5 triệu nạn nhân khác trong Thế chiến 2. Israel hiện đại được thành lập vào năm 1948 như một nơi trú ẩn an toàn cho người Do Thái.
Thủ tướng Scholz không trực tiếp phản hồi phát biểu của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nhắc lại cam kết của Đức đối với quyền tự vệ của Israel.
"Nếu các vị biết nước Đức, các vị sẽ biết rằng tình đoàn kết của chúng tôi với Israel là điều không thể nghi ngờ... Israel có quyền tự vệ. Đồng thời, mọi mạng sống đều quý giá như nhau và nỗi đau khổ ở Gaza khiến chúng tôi đau khổ", ông Scholz nói trong cuộc họp báo.
Điểm xung đột: Mỹ âm thầm chuyển vũ khí cho Israel; Nga-Ukraine khó có hòa ước?
Cuộc họp báo diễn ra trong chuyến thăm Đức đầu tiên của ông Erdogan kể từ năm 2020. Ông Erdogan có thể được hưởng lợi từ sự ủng hộ của ông Scholz đối với việc hiện đại hóa liên minh hải quan giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) và việc miễn thị thực đi lại trong EU cho người Thổ Nhĩ Kỳ. Đảng của ông Erdogan sẽ bước vào các cuộc bầu cử địa phương quan trọng trong năm tới.
Trong khi đó, ông Scholz đang phải đối mặt với một phán quyết của tòa án khiến ngân sách của ông mất đi 60 tỉ euro, tranh cãi trong liên minh cầm quyền về vấn đề kinh tế và sự gia tăng số lượng người nhập cư. Thủ tướng Đức cần sự giúp đỡ của Ankara trong việc ngăn chặn tình trạng di cư sang EU.
Song các cuộc đàm phán đã bị lu mờ bởi xung đột Hamas - Israel. Một số người cũng cho rằng ông Scholz không nên tiếp đón ông Erdogan trong bối cảnh nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng lên án hành động của Israel và cho thấy lập trường khác biệt với nhiều nước phương Tây, bao gồm Đức.
Bình luận (0)