Tờ China Daily đưa tin chiếc thủy phi cơ AG600 (Côn Long) của Trung Quốc vừa tiến hành chuyến bay thử đầu tiên trên biển vào ngày 26.7.
Nguyên mẫu chiếc AG600 với 4 phi công điều khiển đã cất cánh vào lúc 9 giờ 28 (giờ địa phương) tại sân bay San Tự Hà ở tỉnh Sơn Đông và hạ cánh vào lúc 10 giờ 14 tại một khu vực dự kiến ở Hoàng Hải ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, sau 46 phút bay.
Sau đó, chiếc AG600 cất cánh vào lúc 10 giờ 18 và bay trở về sân bay San Tự Hà. Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) thiết kế và chế tạo chiếc máy bay này cho biết chuyến bay đã kết hợp với nhiều thử nghiệm trong quá trình vận hành.
|
Hiện có 2 nguyên mẫu AG600, bao gồm 1 chiếc để bay thử nghiệm và một chiếc để thử nghiệm trên mặt đất. AVCI dự định chế tạo thêm 4 nguyên mẫu để thử nghiệm.
AG600 là chiếc thủy phi cơ thứ 2 của Trung Quốc sau chiếc SG-5 được phát triển vào thập niên 1970 cho mục đích quân sự và đã ngừng sử dụng từ lâu. AVIC cho biết dự án AG600 nhằm đáp ứng các nhu cầu của Trung Quốc về cứu hộ khẩn cấp và phòng chống thiên tai.
AG600 là thủy phi cơ đa nhiệm được thiết kế với tốc độ cao (tối đa 560 km/giờ), kèm khả năng dễ tiếp cận và thao tác trong các nhiệm vụ như chữa cháy rừng và cứu hộ hàng hải. Trong nhiệm vụ cứu hộ, AG600 có thể tìm kiếm tầm xa với độ an toàn cao và khả năng cứu hộ lên đến 50 người mỗi chuyến.
Thủy phi cơ này cất cánh lần đầu tiên vào tháng 12.2017 và hoàn tất chuyến cất và hạ cánh trên mặt hồ vào tháng 10.2018. Sau đó, máy bay có nhiều chuyến bay thử nghiệm trên biển nhằm chuẩn bị cho lần cất cánh trên mặt biển đầu tiên trong năm nay.
Với kích cỡ tương đương một chiếc máy bay Boeing 737, AG600 lớn hơn bất kỳ thủy phi cơ nào có khả năng cất và hạ cánh trên biển. Máy bay được trang bị 4 động cơ tua bin cánh quạt, có thể bay suốt 12 giờ. Theo thiết kế, máy bay có tầm hoạt động 4.500 km, có thể hạ cất và hạ cánh trong điều kiện sóng cao đến 2 m.
Sau chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2017, AFP dẫn lời giới quan sát cảnh báo thủy phi cơ này cũng có thể được sử dụng trên phạm vi rộng lớn, bao gồm tất cả các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông.
Bình luận (0)