Hôm qua 24.6, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/CT-TTg về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan ban ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU và đã được phía Ủy ban Châu Âu (EC) ghi nhận, đánh giá cao cam kết. Tuy nhiên, một số công tác vẫn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét, đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm, nhưng chưa vững chắc và diễn biến phức tạp.
Nhiều thị trường tăng
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay tỉnh đã có 8/11 cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Đây là cơ sở để thiết lập các biện pháp quản lý nghề cá, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần khắc phục thẻ vàng IUU trong thời gian tới.
Tương tự, tỉnh Ninh Thuận cũng có báo cáo 708 tàu cá đã lắp thiết bị VMS và về cơ bản, tất cả tàu cá của Ninh Thuận hiện đang hoạt động tại các vùng khơi đã được giám sát thông qua hệ thống quản lý và giám sát tàu cá VMS của Tổng cục Thủy sản Việt Nam. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh nếu phát hiện tàu cá lắp đặt thiết bị nhưng không mở máy 24/24 giờ khi hoạt động khai thác hải sản trên biển, cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở, xử lý nghiêm.
Báo cáo 5 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thủy sản cho thấy xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng hơn 40% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thủy sản tháng 5 đạt 750 triệu USD, lũy kế 5 tháng ước đạt 3,24 tỉ USD, tăng 12%. Có nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như mặt hàng cá tra và tôm. Về thị trường, thủy sản Việt Nam xuất sang 4 thị trường chính: Mỹ chiếm 24,6% với giá trị tăng 63,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc chiếm 22,6%, giá trị tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản chiếm 6,6%, giá trị tăng 9,6% và Hàn Quốc chiếm 4,9%, giá trị tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, sau gần 4 năm (từ 10.2017) Việt Nam bị EC áp thẻ vàng IUU, thủy sản Việt Nam sang thị trường EU vẫn chưa tháo được thẻ vàng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho hay thị trường EU tuy chưa chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng là thị trường tiềm năng, có thể giúp các doanh nghiệp tận dụng được Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA). Với thẻ vàng EC, việc tận dụng hiệp định này coi như không có.
EU sụt giảm mạnh
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam - VASEP), cho biết từ khi bị EC áp thẻ vàng IUU, xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU đều rất khó khăn do kiểm tra rất gắt gao. Đầu vào thì EU yêu cầu chúng ta có giấy SC (giấy chứng nhận nguyên liệu thủy hải sản khai thác), đầu ra lại cần giấy CC (giấy chứng nhận đánh bắt). Chứng từ đi vào châu Âu bị kiểm soát nghiêm ngặt. Trong khi đó, nghề cá ở Việt Nam là nghề mà cả gia đình cùng làm, có thế mạnh do có lực lượng kế thừa. Tuy nhiên, việc đánh bắt tự phát, không tuân theo chuẩn mực khiến ngành hải sản của chúng ta vẫn chưa ra được khỏi bãi lầy của thẻ vàng.
“Hiện nay, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào châu Âu vẫn giảm 30%, trong khi lẽ ra với lợi thế EVFTA, thuế suất nhập khẩu giảm, phải tăng kim ngạch chứ không thể thế này được. Không chỉ với thị trường EU, nếu tình trạng không gỡ được thẻ vàng EC kéo dài hơn, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng theo”, bà Sắc nhấn mạnh.
Thông tin từ cuộc họp trực tuyến giữa Ủy ban Hải sản VASEP, Ban điều hành chương trình chống khai thác IUU của VASEP, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y cùng với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản vào đầu tháng 6 vừa qua cho thấy có một số bất cập liên quan trong nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC với thủy sản Việt. Đó là tình trạng hồ sơ của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn những thiếu sót, vi phạm… Bà Nguyễn Thị Thu Sắc bổ sung chúng ta đã có pháp lý chế tài đối với ghe, tàu vi phạm. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ sức để răn đe mà còn khiến các doanh nghiệp, người làm ăn nghiêm túc và chính nền kinh tế của chúng ta đang thiệt hại. Chẳng hạn, mức xử phạt theo luật Thủy sản, tàu đánh bắt cá thu về 1 tỉ đồng, phạt chỉ 500 triệu thì họ vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo bà Sắc, Thái Lan mất 4 năm để gỡ thẻ vàng của EC và họ thành công nhờ quyết liệt xử lý người đánh bắt cá vi phạm. Chẳng hạn, sau khi được báo cáo có tàu vi phạm, ngoài mức xử phạt bằng tiền lớn, chính sách của Thái Lan là neo lại tàu thuyền đó, sơn đen, không cho ra khơi trong thời gian nhất định. Luật Thủy sản Việt Nam chưa có những biện pháp rắn “đánh” vào nồi cơm những tàu đánh bắt vi phạm, nên cả ngành thủy sản bị vạ lây.
Bình luận (0)