Bloomberg cho hay Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu vào ngày 5.6 tới đây về việc liệu chính phủ có nên đưa ra mức thu nhập cơ bản và vô điều kiện để thay thế nhiều phúc lợi xã hội khác hay không.
Dù những người đề xướng kế hoạch trên chưa định rõ mức lương cơ bản dành cho toàn dân, họ đề nghị số tiền khoảng 2.500 franc Thụy Sĩ, tương đương 2.500 USD, cho mỗi người lớn và 1/4 số tiền này cho mỗi trẻ em.
Thoạt tiên, ý tưởng có vẻ rất hay. Song nó vẫn tồn tại hai vấn đề: Thứ nhất, số tiền sẽ không giúp người Thụy Sĩ kém may mắn vượt qua ngưỡng nghèo, thường được định nghĩa bằng 60% thu nhập trung bình quốc gia, ở đất nước nổi tiếng là đắt đỏ nhất thế giới; Thứ nhì, kế hoạch này có thể không thành hiện thực.
Trưng cầu dân ý là hoạt động thường thấy của nền dân chủ Thụy Sĩ và mỗi năm có nhiều cuộc bỏ phiếu diễn ra. Sáng kiến thu nhập cơ bản và vô điều kiện nhận được 100.000 chữ ký sau khi được đề xuất, song khảo sát cho thấy nó khó có thể nhận được thêm sự ủng hộ.
Ý tưởng trả lương cho toàn dân cũng là chủ đề bàn luận ở nhiều nước khác, chẳng hạn như Canada, Hà Lan và Phần Lan. Những người ủng hộ cho hay đề xuất sẽ cung cấp cơ sở “tồn tại tử tế” cho người nghèo. Dù vậy ở Thụy Sĩ, mức lương vô điều kiện hằng năm, nếu có, cũng chỉ là 30.000 franc, không chênh bao nhiêu so với ngưỡng đói nghèo là 29.501 franc năm 2014.
Vào năm đó, cứ 8 người thì có một người sống dưới ngưỡng 29.501 franc, theo cơ quan thống kê Thụy Sĩ. Tỷ lệ này lớn hơn ở Pháp, Đan Mạch và Na Uy. Trong số những người trên 65 tuổi thì cứ 5 người sẽ có 1 người có nguy cơ đói nghèo.
Một vài cái tên nổi tiếng ủng hộ đề xuất thu nhập cơ bản và vô điều kiện là cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, người cho rằng thu nhập cơ bản là cần thiết hệt như robot hay tự động hóa. “Một quốc gia giàu có như Thụy Sĩ có cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm chính điều tuyệt vời này”, ông Yanis Varoufakis nói.
Sáng kiến của Thụy Sĩ không đặt ra điều kiện để người dân được nhận lương cơ bản. Đề nghị này hiện bị chính phủ Thụy Sĩ phản đối, vì họ cho rằng tiền lương cao hơn đi cùng thuế cao hơn, không khuyến khích người dân làm việc và gây ra tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.
Nền kinh tế nước này vốn đã bị đe dọa bởi sức mạnh của đồng franc. Giới doanh nghiệp thì cảnh báo họ sẽ chuyển hoạt động sản xuất đến những địa điểm ít đắt đỏ hơn nhằm giảm chi phí.
Bộ trưởng Nội vụ Thụy Sĩ Alain Berset nói: “Chúng tôi kết luận rằng sáng kiến trên có thể làm suy yếu nền kinh tế của chúng tôi”. Quan điểm của chính phủ trùng khớp với phần đông cử trị, khi các cuộc khảo sát cho thấy 60% số người được hỏi phản đối sáng kiến.
tin liên quan
Thụy Sĩ sẽ là nước đầu tiên trả lương cho toàn dân?Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu về đề xuất trả lương tối thiểu 2.450 USD mỗi tháng cho toàn dân, bất kể người dân có đang đi làm việc hay không.
Bình luận (0)