Thuyền do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (BTDTCĐH) thiết kế phục hồi dựa trên nguyên bản ngự thuyền Tế Thông thời nhà Nguyễn, dài 27 m, rộng 7,2 m, phần nổi trên nước cao 4,2 m. Thuyền gồm một tầng, phần mái có lan can, sức chở trên 100 người, nhằm phục vụ các kỳ Festival Huế và đưa vào khai thác hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ nhân dân địa phương, du khách trên sông Hương.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm, thuyền hoạt động không hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đến tháng 1.2019, Công ty TNHH đầu tư hạ tầng và du lịch Đông Á (TP.Huế) đã làm việc với Trung tâm BTDTCĐH. Hai bên ký hợp đồng triển khai dịch vụ tại thuyền Long Quang, thời hạn từ 25.1.2019 - 24.1.2021, mức giá hợp đồng ký kết là 220 triệu đồng/năm. Sau khi đầu tư sửa chữa, nâng cấp, thay thế một số hạng mục của thuyền, đến đầu tháng 7.2019, Công ty Đông Á đã triển khai dịch vụ ẩm thực kết hợp tham quan trải nghiệm trên sông Hương để phục vụ du khách.
Theo ông Bách, sau khi bến thuyền số 5 Lê Lợi (bờ nam sông Hương) được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công ty Đông Á đưa thuyền Long Quang sang neo đậu và khai thác tại bến số 5 Lê Lợi, trả lại cảnh quan không gian trước bến Nghinh Lương Đình.
Bình luận (0)