Thuyền viên Việt cứu 7 người ngoài khơi Hawaii

08/04/2018 06:00 GMT+7

Khanh Huynh đã giúp cứu sống 2 công dân Mỹ và 5 người khác khi tàu cá của họ gặp nạn ở vùng biển ngoài khơi bang Hawaii.

Khanh Huynh, quê ở Đồng Nai, theo nghề đánh cá từ khi mới 12 tuổi và từng đi biển tại VN trong 10 năm trước khi tìm được việc trên các tàu đánh cá của người Mỹ gốc Việt ở bang Hawaii từ năm 2012. Mới đây, chàng ngư dân 28 tuổi đã dũng cảm cứu sống 2 công dân Mỹ và 5 người khác (gồm người Việt và đảo quốc Kiribati) sau khi tàu cá bị chìm ở ngoài khơi cách Đảo Lớn thuộc bang Hawaii hàng trăm ki lô mét.
Nỗ lực cứu người
Theo bài viết đăng hôm qua của AP, tai nạn xảy ra ngày 25.3 khi tàu Princess Hawaii, chở 8 người, đang hoạt động cách bờ khoảng 650 km. Huynh đang lau chùi buồng lái, còn các thuyền viên khác giăng lưới thì con tàu bắt đầu tròng trành dữ dội sau một đợt sóng. Thêm một cơn sóng đánh trúng mạn tàu và nước tràn vào ồ ạt, khiến tàu chìm dần. Huynh cố điều khiển bánh lái song nước biển đã gần như dâng tới cửa sổ. “Tôi vội lao tới ra sức bẻ lái song bất lực. Tàu nghiêng dần và tôi bị văng về phía cửa sổ”, Huynh kể lại với AP. Không kịp suy nghĩ, anh vơ vội cây búa đập cửa kính để thoát thân. Bơi được ra khỏi buồng lái và ngoi lên mặt nước, Huynh nhìn thấy 5 thuyền viên khác đang cật lực bơi gần đó. Lúc này trên tàu vẫn còn 2 người Mỹ là thuyền trưởng Robert Nicholson và ông Steve Dysart, nhân viên giám sát ngư nghiệp liên bang đi theo tàu.
Nghe Huynh cố hét lớn: “Ra mau, ra mau!”, Dysart vớ lấy áo phao và bơi về lối thoát duy nhất là cánh cửa lớn ở đuôi tàu. “Lúc đó tôi rất hoảng sợ vì xung quanh toàn là nước”, Dysart nhớ lại. Trước đó, Huynh đã kịp tháo dây xuồng cứu sinh và kéo Dysart cùng Nicholson lên xuồng. “Anh ấy đã cứu mạng cả hai chúng tôi”, ông Dysart xúc động nói. Chưa kịp định thần, cả ba người vội cho thuyền đến cứu 5 người còn lại, lúc này đang sắp đuối nước. Sau khoảng 12 tiếng lênh đênh, họ đã được một tàu cá khác giải cứu.
Giới hữu trách vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Ông Loc Nguyen, chủ tàu Princess Hawaii, cho biết con tàu vừa được nâng cấp, lắp thêm máy làm đá, máy lọc nước và khung thép bảo vệ thân. AP dẫn lời Nguyen cho rằng chính hai đợt sóng lớn là nguyên nhân đắm tàu. Tuy nhiên, Dysart khẳng định sóng biển không quá lớn và cho rằng chính việc thay đổi kết cấu khiến tàu mất khả năng chống chịu.
Tàu Princess Hawaii bị chìm ngoài khơi Hawaii Ảnh: Tuần duyên Mỹ
Không thể lên bờ
AP dẫn lời ông Dysart cho biết Huynh được thuê làm thuyền viên nhưng thực tế anh gần như làm công việc của thuyền trưởng trên tàu Princess Hawaii do thuyền trưởng Nicholson chưa từng có kinh nghiệm làm việc trên một tàu đánh bắt xa bờ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo luật liên bang, lao động nước ngoài có thể cầm bánh lái khi thuyền trưởng đang ngủ hoặc bận việc gì đó nhưng người chịu trách nhiệm chính trên danh nghĩa phải là công dân Mỹ. Nếu vi phạm quy định này, chủ tàu sẽ bị phạt rất nặng. Chính vì thế anh làm quần quật đủ việc từ 12 - 20 tiếng mỗi ngày nhưng chỉ hưởng lương thuyền viên tầm 500 USD/tháng. Giám sát viên Dysart khẳng định Huynh là người phụ trách chính của Princess Hawaii từ khi tàu rời bến cho đến khi gặp nạn. “Suốt thời gian trên tàu, tôi chưa bao giờ thấy thuyền trưởng người Mỹ lái tàu, ra lệnh cho thuyền viên hoặc làm bất cứ điều gì để giữ tàu ổn định. Tôi chỉ thấy ông ta nằm trên giường”, ông nói với AP. Thuyền trưởng Nicholson từ chối bình luận, còn tuần duyên Mỹ đã vào cuộc điều tra.
Đáng nói hơn, do không có thị thực làm việc tại Mỹ nên Huynh và gần 700 lao động nước ngoài khác ở Hawaii không thể nhập cảnh. Họ phải sống trên tàu gần như suốt năm, ngay cả khi con tàu neo đậu tại thủ phủ Honolulu. Trong 6 năm làm việc tại đây, Huynh sinh hoạt trên các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương. Đôi khi do quá nhớ đất liền, anh cũng chỉ dám lén bước lên đến cổng cầu cảng, cách bãi biển Waikiki sôi động và đông nghẹt du khách, chỉ vài ki lô mét.
Theo AP, câu chuyện của Huynh tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bóc lột lao động nước ngoài trên những tàu cá đang hoạt động trong vùng biển nước Mỹ. Một cuộc điều tra thực hiện năm 2016 của hãng thông tấn này cho thấy thuyền viên nước ngoài sống khổ cực và thậm chí có thể là nạn nhân của nạn buôn người. Trên thực tế, một số quan chức liên bang và tiểu bang bật đèn xanh để chủ tàu trả lương thấp cho lao động đến từ các quốc gia Đông Nam Á và những quốc đảo Thái Bình Dương.
Sau 2 tuần nghỉ ngơi và trả lời giới chức điều tra, Huynh chuẩn bị làm việc trở lại. Anh khẳng định chưa có ý định quay về VN, vì thu nhập không tương xứng với công sức đi nữa thì vẫn hơn hẳn mức 3 - 4 triệu đồng/tháng khi anh đi biển ở quê nhà. Phần lớn tiền lương anh gửi về nước cho gia đình. “Tôi không hề sợ phải ra biển trở lại”, Huynh nói với AP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.