Tuần qua, Ủy ban Truyền thông Đài Loan đã ra quyết định ngưng gia hạn giấy phép hoạt động của kênh truyền hình CTi. Ủy ban trên viện dẫn kênh truyền hình CTi đã bị can thiệp, bởi nhà tài phiệt được cho là thân Bắc Kinh, làm mất đi tính khách quan về truyền thông.
Reuters dẫn lời một lãnh đạo của Ủy ban Truyền thông Đài Loan cho biết quyết định trên được thống nhất sau khi xem xét các vấn đề liên quan việc tỉ phú Thái Diên Minh, Chủ tịch Tập đoàn Want Want - cổ đông lớn của CTi, đã can thiệp vào tính độc lập trong công tác biên tập của kênh truyền hình này. Trước đó, CTi đã từng bị phạt vì đưa thông tin thiếu kiểm chứng cũng như đưa tin không chính xác.
Want Want kinh doanh gì ở Việt Nam ? Tháng 12.2019, Want Want đã tổ chức buổi lễ ra mắt tại Việt Nam. Theo thông cáo báo chí ngày 12.12.2019, đại diện Want Want cho hay vừa chính thức ra mắt thị trường Việt Nam, giới thiệu nhà máy tại Tiền Giang và công bố 3 dòng các sản phẩm bánh gạo, kem đông lạnh và đồ uống của Want Want sẽ được bày bán tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi khắp Việt Nam. Với nhà máy sản xuất qui mô lớn đang được xây dựng tại Tiền Giang, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chiến lược của tập đoàn Want Want tại thị trường Đông Nam Á. |
Nhà tài phiệt đình đám
Gần 10 năm trước, nhà tài phiệt Thái từng được tạp chí Forbes vinh danh là người giàu nhất Đài Loan với tài sản xấp xỉ 8 tỉ USD. Hiện nay, theo Forbes, ông Thái Diên Minh có tài sản trị giá khoảng 6 tỉ USD.
Vị tỉ phú này kiểm soát tập đoàn Want Want có lĩnh vực kinh doanh chủ lực là sản xuất bánh kẹo. Trong đó, sản phẩm bánh gạo Want Want được cho là đang dẫn đầu về thị phần tại Trung Quốc đại lục. Kể từ khi xây dựng nhà máy đầu tiên ở đại lục vào năm 1992, Want Want đến nay có hàng chục nhà máy và hàng trăm cở sở kinh doanh tại đại lục. Chính vì thế, việc nguồn lợi kinh doanh của Want Want được cho là chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục.
Bên cạnh đó, Want Want còn đầu tư vào lĩnh vực truyền thông khi nắm quyền kiểm soát công ty China Times. Công ty này sở hữu các kênh truyền hình như China Television (CTV) và Chung T'ien Television (CTi), cùng tờ báo China Times hoạt động tại Đài Loan.
|
Liên quan lĩnh vực truyền thông của Want Want, tờ The Financial Times giữa năm đã đăng bài điều tra về việc kênh truyền hình này bị ảnh hưởng bởi Văn phòng Sự vụ Đài Loan (TAO) - cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện (tức chính phủ) Trung Quốc đại lục.
Bài điều tra dẫn lời một số phóng viên của CTi cho biết biên tập của kênh truyền hình này nhận điện thoại hàng ngày từ TAO. “Họ không can thiệp vào mọi thứ, chủ yếu chỉ đề cập các vấn đề liên quan tình hình eo biển Đài Loan. Họ sẽ hỏi liệu các vấn đề liên quan eo biển Đài Loan có được đưa lên trang nhất hay không”, theo lời phóng viên của CTi kể.
“Tay sai” của Bắc Kinh ?
Suốt những năm qua, các kênh truyền thông của China Times luôn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ Quốc dân đảng Đài Loan. Dù từng được lãnh đạo bởi ông Tưởng Giới Thạch và con trai là Tưởng Kinh Quốc, nhưng Quốc dân đảng về sau được cho là thể hiện xu thế “gần gũi” hơn với Bắc Kinh.
Một số cáo buộc từng cho rằng nhà tài phiệt Thái Diên Minh từng nhận hỗ trợ từ Bắc Kinh để thâu tóm các kênh truyền thông và xây dựng nên đế chế truyền thông China Times. Tất nhiên, tỉ phú Thái đã bác bỏ cáo buộc này.
Trong khi đó, chính một nhân vật ảnh hưởng của Quốc dân đảng Đài Loan cũng từng chỉ trích tỉ phú Thái Diên Minh là “tay sai” của Bắc Kinh. Cụ thể, hồi tháng 6.2019, trang Taiwan news dẫn lại một bản tin của tờ Liberty Times cho hay tỉ phú Quách Đài Minh, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn công nghệ Foxcoon đã đưa ra chỉ trích vừa nêu.
|
Năm ngoái, ông Quách là một trong các ứng viên chạy đua làm người đại diện Quốc dân đảng để đại diện tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan. Đối thủ của ông Quách trong cuộc đua nội bộ Quốc dân đảng là Hàn Quốc Du – thị trưởng TP.Cao Hùng và được tỉ phú Thái Diên Minh ủng hộ.
Trước khi diễn ra cuộc bầu cử nội bộ của Quốc dân đảng, một phóng viên của CTi đã hỏi ông Quách rằng liệu ông có thực sự “không lo ngại nguy cơ từ Trung Quốc đại lục” hay không? Không trả lời câu hỏi, tỉ phú Quách đáp trả phóng viên của CTi rằng: “Hãy nói với TAO ngừng chỉ thị sếp của bạn hỏi tôi câu vừa nêu”.
Chưa dừng lại ở đó, tỉ phú Quách tiếp tục chỉ trích: “Hãy hỏi lương tâm của bạn là bạn đang làm vì lợi ích của Đài Loan hay Trung Quốc đại lục?”, “Hãy hỏi ông chủ Thái của bạn – một tay sai của Văn phòng Sự vụ Đài Loan (TAO)”. Rồi tỉ phú Quách nhẹ lời giải thích rằng chỉ trích của ông không nhắm đến người phóng viên của CTi, mà nhắm vào tỉ phú Thái Diên Minh.
Muốn nhìn thấy thống nhất eo biển Đài Loan
Năm 2012, tờ The Washington Post từng có bài viết về sự ủng hộ của tỉ phú Thái Diên Minh đối với Bắc Kinh. Theo đó, sau khi đăng tải một bài viết không đúng ý Bắc Kinh, một phóng viên của tờ China Times đã bị sa thải. Trả lời báo chí về vụ này, ông cho rằng người phóng viên bị sa thải “có tài năng” nhưng đã “xúc phạm mọi người, không chỉ người dân đại lục”.
Bên cạnh đó, ra đời vào năm 2009, tờ báo Want Daily của tỉ phú Thái đã dành hẳn một chuyên mục hằng ngày để viết những câu chuyện lạc quan về Trung Quốc đại lục và lợi ích của việc thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan.
|
Ông Thái từng không ngại bày tỏ quan điểm lợi ích là quan trọng trong kinh doanh. Ông chỉ ra rằng Đài Loan chỉ có hơn 23 triệu dân, trong khi đại lục có hơn 1 tỉ người. Nhưng ông cũng khẳng định bản thân “không bợ đỡ” Bắc Kinh.
Trong khi đó, các nhà báo từng làm cho các kênh truyền thông của China Times khẳng định sau khi ông Thái chiếm quyền kiểm soát, thì nội dung của các kênh truyền thông này thân Bắc Kinh hơn. Hay một cựu lãnh đạo phong trào sinh viên trong sự biến Thiên An Môn, rồi đến Đài Loan sinh sống, kể rằng tờ China Times từng đặt ông viết bài, nhưng rồi không đặt nữa sau khi tờ báo vào tay tỉ phú Thái Diên Minh. GS.Flora Chang, giảng dạy về báo chí tại Đại học Đài Loan, thì đánh giá các kênh truyên thông của China Times thể hiện sự “thiên vị” trong cách thể hiện các tin tức tích cực về đại lục.
Bình luận (0)