Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển:

Tích xưa về Từ Dũ thái hậu

14/05/2023 07:41 GMT+7

Tương truyền, sau khi bà Từ Dũ (Dụ) ra đời thì vùng đất thuộc Giồng Quy Sơn ngày càng nổi cao lên như mô rùa, giếng nước nơi ấy càng trong vắt và cây trái xum xuê hơn trước.


Nhìn chung, về văn học miền Nam giai đoạn bình minh của chữ Quốc ngữ, hiện nay vẫn còn nhiều tác giả mà các nghiên cứu đã bỏ sót, chưa đề cập đến thấu đáo; hoặc dù biết nhưng vẫn chưa tường tận về tác phẩm của họ. Trong số này, tôi muốn nhắc đến nhà thơ Nguyễn Liên Phong, gần đây bộ sách Điếu cổ hạ kim thi tập, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của ông đã được tại tái bản, góp phần giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về phong tục tập quán, lịch sử, nhân vật của miền Nam xưa.

 Tích xưa về Từ Dũ thái hậu  - Ảnh 1.

Từ Dũ Hoàng thái hậu

TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Tuy nhiên, trong di cảo chưa in Tô Mãn họa đình tùng của cụ Vương Hồng Sển còn nhắc đến một tác phẩm khác của ông Nguyễn Liên Phong là Từ Dũ hoàng thái hậu, xuất bản năm 1913. Căn cứ vào tập sách này, cụ Sển đã tường thuật lại cuộc đời của bà Từ Dũ, chúng tôi xét thấy có chi tiết lý thú. Theo đó, ngày xưa ở Gò Công - nơi chôn nhau cắt rốn của bà Từ Dũ có lưu truyền câu đối:

Lệ thủy trinh tường thoại

Quy khâu trúc phước cơ

(Nước ngọt trổ điềm lành

Gò rùa vùng đất phước).

Câu này ứng vào sự kiện diễn ra tại Gò Công vào năm 1810, ngày 19.5 âm lịch bà phu nhân Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng sinh một con gái, đặt tên Phạm Thị Hằng, về sau trở thành Từ Dũ Hoàng thái hậu, là vợ của vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, mất vào năm 1902, đời vua Thành Thái, thọ 92 xuân. Bà Từ Dũ là người miền Nam thứ hai làm hoàng hậu dưới triều Nguyễn: trước đó là bà Hồ Thị Hoa - vợ vua Minh Mạng; sau đó là hoàng hậu Nam Phương - vợ vua Bảo Đại.

Năm bà Từ Dũ lên 12 tuổi, mẹ bị bệnh, bà hầu hạ thuốc men ngày đêm không quản khó nhọc. Đến ngày mẹ mất, bà than khóc mãi không thôi. Tiếng lành về bà ngày càng đồn xa. Tại kinh đô, bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu - tức bà Trần Thị Đang, vợ của vua Gia Long, mẹ của vua Minh Mạng - cũng nghe tiếng.

Một hôm Cao hoàng hậu cho gọi Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng vào chầu và nói: "Ta nghe tiếng đồn tốt lành về con gái của khanh. Ta cho phép khanh dẫn vào cung cho ta xem mặt".

Bấy giờ, năm 1824, con gái của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân là Lệnh Phi cũng được gọi vào cung. Cả hai nhan sắc này đều có cơ may lọt vào sự lựa chọn của nhà vua để sau đó, sẽ trở thành người "nâng khăn sửa túi" cho hoàng trưởng tử Miên Tông. Giữa hai giai nhân, vừa có tài vừa có đức hạnh thì vua Minh Mạng sẽ chọn ai và chọn như thế nào? Có một hôm, vua Minh Mạng ban cho mỗi người một áo sa, cổ thêu hoa vàng. Đến khi từ bái, bà Cao hoàng hậu lại ban cho mỗi người một chiếc cúc áo bằng vàng, một thứ chạm hình con phượng, một thứ chạm cành hoa, nhưng phong giấy kín và khấn trời rằng: "Ai được chạm hình phượng thì có con trước".

Rồi sai nữ quan đến ban cho, bảo mỗi người chọn lấy một phong, nhưng không được mở ra, cứ để nguyên phong tiến lên. Bà nhường Lệnh Phi lấy trước, khi mở gói ra thì được chiếc cúc chạm hoa; còn bà nhận được cúc chạm phượng. Nhờ vậy, bà trở thành người "đầu ấp tay gối" của hoàng trưởng tử Miên Tông. Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu Thiệu Trị.

Di cảo của cụ Sển có đoạn nhận xét: "Vua Thiệu Trị là một ông vua tốt, hiềm vì không được thọ, giữ ngôi báu chỉ được bảy năm. Tính hiền nhưng nóng, ngoại sử nói ngài rất thích đồ sứ chế tạo theo nghi thức phương Tây, ưa đồ lục giác, bát giác, hộp đựng bút viết ký kiểu hộp đựng xà-bong của Pháp (đĩa có chưn bát giác), bình điếu hút thuốc lào chấm chín rồng; đến khi binh Tây phá của Thuận An, ngài đùng đùng nổi giận, sai đập phá đồ sứ kiểu thức Tây phương, giận cá chém thớt, uổng thay cho những vật vô tri quý giá".

Chi tiết thú vị này, ít nhiều phản ánh tâm lý của người Việt "trung quân ái quốc" thời ấy, như ta biết, sau này, khi Nam kỳ mất vào tay thực dân Pháp, tương truyền cụ Đồ Chiểu ghét giặc đến nỗi thầy không dùng xà phòng của Pháp mà chỉ dùng theo cách dân gian xưa nay là lấy nước tro để giặt quần áo, không đi trên đường nhựa do Pháp làm...

T DŨ THÁI HẬU THANH DANH LƯU HẬU THẾ

Học giả Vương Hồng Sển viết tiếp: "Về chuyện tích của bà Từ Dũ, xin kể rằng: Vua Thiệu Trị có tánh đọc sách sử, có đêm đọc đến nửa đêm mà chưa nghỉ, bà vẫn chầu chực bên vua, có khi nghe tiếng gà gáy sáng bà mới được dùng bữa cơm tối… Tánh bà thông minh nhậm lẹ, và hay nhớ dai (cường ký). Những bao nhiêu chuyện cũ, tích xưa, thi cổ bà đều thuộc nằm lòng. (Vua Tự Đức văn hay, các quan khoa bảng đều sợ tài vua, có lẽ nhờ thọ ẩm của bà truyền lại)".

Xin kể một chi tiết nhân dịp lễ ngũ tuần đại khánh của vua Tự Đức: "Thái hậu Từ Dũ truyền ban ngự yến, trong tiệc có món rau sống mắm sống, lịnh bà ban cho vua một cây gấm và một viên ngọc". Về món "rau sống mắm sống" có trên bàn ăn đại tiệc cao lương mỹ vị mới thú vị làm sao. Chính vì thế, cụ Sển mới "Xin trích lại câu "dụ" của bà: "Đồ ăn mẹ dạy nấu cho tinh khiết, mỗi món đều nóng sốt thơm mùi, song sợ trẻ yếu mình chưa đẹp miệng. Rau mắm, mẹ nghĩ là một tiện dụng, người ta thẩy thơm tho thích ý, may khi con nhơn lạ ngự nhiều cơm". Chi tiết này chứng tỏ, bà Từ Dũ vẫn chưa quên món ăn quen thuộc, hợp khẩu của lưu dân vùng Ngũ Quảng khi vào khai hoang, lập ấp tại miền Nam.

Đánh giá về bà Từ Dũ, học giả Vương Hồng Sển nhận định: "Nước Nga có hoàng hậu Catherine II la Grande de Russie (1729 - 1796), nước Anh có hậu Elisabeth Ière (1533 - 1603), Thanh triều Trung Quốc có Từ Hi thái hậu, cả thẩy đều có tai tiếng nhưng tai nhiều hơn tiếng, nước Nam ta có bà Từ Dũ thái hậu thanh danh lưu hậu thế, tiếng có mà tai không, thiệt là hiếm lạ".

Một trong những điều "hiếm lạ" đối với hậu thế chúng ta là bà luôn nhắc nhở: "Xa xỉ ấy là triệu nghèo, kiệm cần là nguồn phước". Lời răn dạy này lúc nào cũng hợp thời và luôn luôn mang tính thời sự.

Hiện nay, TP.HCM có một bệnh viện phụ sản được vinh dự mang tên Từ Dũ Hoàng thái hậu.

(còn nữa)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.