Bực tức vì làm con trưởng nhưng không được vua cha Thiệu Trị tin tưởng truyền ngôi, Hồng Bảo quyết tìm mọi cách để lấy lại những gì đã mất nên đã nhóm họp các cộng sự thân tín cắt máu ăn thề, lên kế hoạch mưu phản vua Tự Đức (Hồng Nhậm).
Trong bức thư viết năm 1855 in trong cuốn Annales de la Propagation de la Foi, giám mục Pellerin - một giáo sĩ Thiên Chúa ở Huế, tiết lộ: "Ông ấy (Hồng Bảo) nhiều lần tìm cách điều đình với tôi, nhưng tôi trả lời rằng những người Công giáo không phải là kẻ dự vào các cuộc âm mưu. Ông ấy xoay qua mặt khác. Một buổi lễ thề sống cùng sống, chết cùng chết cử hành xong, năm bảy người trong nhóm đã ra ngoại quốc, có lẽ là để kêu gọi thêm đồng chí. Một người trong bọn họ đã theo con đường Xiêm và Cao Miên để trở về nước, đem theo một nhà sư đã tuyển mộ được...”.
|
Mọi thứ đều diễn ra như đúng kế hoạch, nhưng sau đó sự việc lại bị bại lộ. Lý do khiến triều đình phát hiện âm mưu phản trắc của con trai trưởng vua Thiệu Trị đã được giám mục Pellerin kể lại khá chi tiết: “Dọc đường do đối đãi với nhà sư này không tử tế nên lúc qua đến biên cảnh Việt Nam, nhà sư liền tố giác với quan lại của vua Tự Đức. Vì thế mà những kẻ tay chân của Hồng Bảo - con trai vua Thiệu Trị trong khi đang ngủ ngon giấc liền bị bắt trói, bỏ vào cũi để giải về kinh. Bị tra tấn đau, y đã khai ra tất cả. Hình như trong lời cung, y có nói đến một chiếc tàu sẽ tới. Mà quả đúng như vậy, vào khoảng đầu tháng 3, một chiếc tàu nhỏ, tôi cũng không rõ thuộc về quốc tịch nào, đậu ở cửa bể trước kinh thành. Súng ống hẳn hoi ra vẻ một chiếc tàu chiến. Trên tàu người khá đông, nào là Xiêm, Trung Hoa, người ta bảo có cả người Âu châu nữa...”
Sự việc mưu phản bị bại lộ, bị tố cáo kêu gọi người ngoại quốc đến gây giặc giã trong nước, con trai trưởng vua Thiệu Trị đáng lẽ bị xử tội chết nhưng vua Tự Đức đã rộng lượng chuyển thành chung thân. Trong sách Chuyện triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa - 2002), tác giả Bửu Kế cho biết thêm: “Hồng Bảo bị triều đình xử tội lăng trì nhưng vua Tự Đức đã tha tội chết đổi thành án chung thân. Triều đình xây mới ngục thất để giam giữ Hồng Bảo và dự định chuyển ông vào giam ở nơi này nhưng Hồng Bảo không chịu; rồi nhân khi một mình, ông đã dùng vải trải giường để thắt cổ tự tử”.
|
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn viết trong cuốn Huế triều Nguyễn - Một cái nhìn (Omega và NXB Thế giới ấn hành), thì vụ mưu phản của con trai trưởng vua Thiệu Trị là việc tày đình nhưng sử sách triều Nguyễn ghi chép khá vắn tắt. Tác giả Trần Đức Anh Sơn lý giải: “Chính cách ghi chép giản lược trong sử sách triều Nguyễn đã khiến cho người ta nghi ngờ. Nhiều người không tin Hồng Bảo thắt cổ tự tử là thực, mà cho rằng chính vua Tự Đức hoặc đại thần Trương Đăng Quế đã ra lệnh ám hại Hồng Bảo để trừ họa, nhưng vì sợ những lời thị phi nên mới ‘đặt bày’ chuyện Hồng Bảo tự vẫn trong ngục. Ngay con cháu họ Nguyễn cũng không tin chuyện Hồng Bảo thắt cổ tự vận là thực nên khi biên soạn thế phả họ Nguyễn Phúc thì họ cũng viết: ‘Việc chết của ông (Hồng Bảo) rất mờ ám’.
Dù không biết chết là do tự tử hay là bị hãm hại, chỉ biết sau khi qua đời, Hồng Bảo bị buộc tội phải đổi sang họ Đinh của mẹ ông là có thật. Con trai trưởng của Hồng Bảo là Nguyễn Phúc Ưng Đạo thì đổi thành Đinh Đạo. Việc cải táng mộ ông Hồng Bảo dưới triều Khải Định theo lời kể của cụ Ưng Dinh - khi đó làm Tham tri Bộ hình, được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trích dẫn trong sách như sau: “Trong quan tài con trai trưởng vua Thiệu Trị có chôn theo một viên đá. Phụ lão ở đó kể lại rằng, ngày trước họ nghe nói khi ông Hồng Bảo bị giam có một bức tường bị sập xuống đè chết ông nên chôn theo viên đá để làm chứng. Điều đó chứng tỏ thời đó họ đã sắp xếp một cái chết hữu lý cho ông, vì nếu để ông sống cũng khó yên lòng vua Tự Đức cùng các quan lại”.
Cuối cùng, mộng làm vua của Hồng Bảo bất thành lại phải trả giá quá đắt. Oái ăm thay đến đời Đinh Đạo - cháu nội vua Thiệu Trị, cũng không thể lật ngược được thế cờ mà tiếp tục gây nên những cái chết oan ức cho cả một gia đình. (Còn tiếp)
Bình luận (0)