Phụ chánh Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết to gan sửa chữa di chúc vua Tự Đức?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
03/03/2021 13:07 GMT+7

Có hay không chuyện các Phụ chánh đại thần dưới triều Nguyễn đã chuyên quyền, tự ý thay đổi di chúc của vua Tự Đức đã được làm sáng rõ trong bộ sách đồ sộ dày hơn 1.800 trang của GS Nguyễn Quốc Trị mới đây.

Vua Tự Đức không con nhưng có tới ba người con nuôi, đó là Ưng Chân (sinh 11.2.1853), Ưng Đường (sinh 19.2.1864), và Ưng Đăng/Hổ (sinh 12.2.1869).  Sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn (Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM), cho biết: “Công tử Ưng Chân được vua Tự Đức nhận làm con nuôi năm 1868, lúc đã 16 tuổi (ta) sau khi Công tử Ưng Đường (Đồng Khánh) được làm con nuôi từ năm 1865. Mùa thu năm 1869, vua phong ông Ưng Chân “làm Hoàng tử, cho chính danh định phận, yên lòng mọi người”, vì vua đã cảm thấy “đến nay tuổi ngựa ngày một thêm, khí huyết ngày một suy, chỉ nghĩ nước có vua lớn tuổi là phúc của xã tắc.... Còn ông Ưng Đường (Đồng Khánh) thì “chờ sau này trưởng thành sẽ liệu”. Đến xuân năm 1870, vua nuôi thêm người em ruột cùng mẹ của ôn Ưng Đường, mới 2 tuổi, tên là Ưng Đăng (Kiến Phúc)".

Tôn Thất Thuyết - Phụ chánh đại thần của nhà Nguyễn

Ảnh: T.L

Một trong các cửa sơn son ở hậu cung triều đình Huế

Ảnh: CHARLES-ÉDOUARD HOCQUARD

Theo tác giả cuốn sách đã dẫn, tiết lộ: “Ngày 17.7.1883 (tức 14 tháng sáu năm Quý Mùi), vua Tự Đức ốm nặng nên “tuyên triệu 3 đại thần Cơ mật viện, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vào hầu. Vua ở trong cung, chính tay phê vào tờ di chiếu cho hoàng trưởng tử Thụy Quốc công nối ngôi vua.”,
Được biết trong di chiếu khi đó của vua có ghi rằng: “Trẫm nuôi sẵn 3 con, Ưng Chân, cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mặt hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai?”.
Vua cũng cẩn thận căn dặn cho ba ông Thành, Tường, Thuyết làm Phụ chánh đại thần để giúp vua nối ngôi giải quyết những việc khó khăn.
Sách viết tiếp: "Theo lời của Phụ chánh Thành (ghi trong một bản tấu trình lên vua Hiệp Hòa khi bị các quan Khoa đạo đàn hặc về tội đọc bỏ bớt di chiếu), thì sau khi ba vị đại thần lui vào phòng Thái giám để xem tờ di chiếu, và nhận thấy người được chỉ định nối ngôi bị chê trách nặng nề như vậy. Ông Nguyễn Văn Tường có nhận xét rằng: “Di chiếu có mục đích truyền lại ngôi báu. Tôi sợ rằng đoạn này không được thích hợp lắm. Cần nên xin bỏ nó đi.” Hai ông Thành và Thuyết đều đồng ý và cả ba vị họp nhau dâng một sớ chung lên vua xin xóa bỏ đoạn ấy đi".

Lên ngôi thay vua Đồng Khánh, vua Thành Thái mới được 11 tuổi ta, đến năm 1892 đã truy phong cho cha mình là cố tự quân Dục Đức làm Cung Tông Huệ Hoàng đế

Tuy nhiên, sự việc sau đó diễn biến theo chiều hướng khác. GS Nguyễn Quốc Trị kể trong sách mới xuất bản: “Vua Tự Đức đã không chấp thuận, bắt phải để di chiếu y nguyên như thế. Đến ngày 21.7.1883 (18 tháng sáu năm Quý Mùi), Tự quân (vua được chỉ định nhưng chưa tấn phong) Dục Đức triệu ba vị Phụ chánh vào điện Quang Minh để hỏi có thể nào bỏ những lời khiển trách ấy đi không, thì cả ba vị đồng trả lời rằng Hội đồng Phụ chánh đã có trình xin vua cha xóa bỏ đoạn ấy đi, nhưng ngài đã nhất thiết không. Về sau, hai ông Tường, Thuyết, và luôn cả Phụ chánh Thành cùng các hoàng thân, đình thần đồng ký tên tâu xin Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu truất bỏ ông Dục Đức đi, và đưa hoàng thân em út của vua Tự Đức lên thay, là vua Hiệp Hòa”.
Về câu chuyện này sử thuộc địa cho rằng, hai Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã chuyên quyền tự ý thay đổi di chúc của vua Tự Đức để truất bỏ Tự quân Dục Đức, và mạt sát hai ông rất thậm tệ. Tuy nhiên sự thật thì khác...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.