Kỳ thú Thủ Đức: Bảo vật trong di tích hoàng gia 'ngoại thích' triều Nguyễn

29/01/2021 06:20 GMT+7

Sau khi bà Hồ Thị Hoa được phong làm Tá Nhân hoàng hậu, tháng 5 năm 1841 vua Thiệu Trị suy tặng họ Hồ ở quê ngoại, dựng đền thờ Hồ tộc ở hai nơi: xã Xuân Hòa, H.Hương Trà, Thừa Thiên- Huế và ở Linh Chiểu, Thủ Đức dựng từ đường gọi là Hồ tộc từ đường.

Năm 1852, vua Tự Đức cho đổi tên Hồ tộc từ ở Linh Chiểu thành Dũ Trạch Từ mang đầy tính tôn vinh và tốt đẹp.
Năm 1862, sau khi chiếm toàn bộ các tỉnh Nam kỳ, triều Nguyễn đã phải ký hiệp ước Nhâm Tuất để nhượng toàn bộ Nam kỳ cho Pháp. Tuy nhiên, cùng với việc lo lắng cho hệ thống di tích hoàng gia “ngoại tộc” là khu đất của họ Phạm ở Gò Công (khu vực Lăng Hoàng Gia - lăng mộ và đền thờ Phạm Đăng Hưng - ông ngoại vua Tự Đức và là cha của thái hậu Từ Dũ), vùng đất Linh Chiểu, Thủ Đức cũng được vua Tự Đức cùng các quần thần tham gia ký hiệp ước thảo luận và người Pháp cũng đã thống nhất tại khoản 5 với nội dung:
“Mười một ngôi mộ của họ Phạm... và ba ngôi mộ của họ Hồ ở trong lãnh vực làng Linh Chiểu Tây và Tân Mai (tỉnh Biên Hòa), không được bóc mộ, đào xới, xâm phạm hay đập phá. Sẽ cấp một lô đất rộng 100 mẫu cho các ngôi mộ nhà họ Phạm và một lô tương đương như thế cho nhà họ Hồ. Hoa lợi thu được trên các lô đất này được dùng để gìn giữ và bảo toàn các ngôi mộ và chu cấp các gia đình lo việc trông nom các phần mộ. Các lô đất được miễn các thứ thuế và những người trong dòng họ Phạm, Hồ cũng sẽ được miễn thuế thân, khỏi thi hành quân dịch hay đi dân công”.
Hiện nay, theo điều tra khảo sát của Trung tâm văn hóa Q.Thủ Đức cũ, ngôi mộ của ông Hồ Văn Bôi vẫn còn tồn tại tại khu vực P.Linh Chiểu. Tuy nhiên, khi thực hiện tư liệu phục vụ cho việc chỉnh lý hệ thống trưng bày Nhà truyền thống Thủ Đức thì chúng tôi không còn tìm ra dấu vết bởi quá trình chuyển nhượng đất, xây dựng, đô thị hóa... Họ Hồ ở Linh Chiểu cũng đã dần mai một, khó tìm ra dấu vết của Hồ tộc từ đường cũng như hậu duệ của họ Hồ ở Linh Chiểu.
Hiện tại, di tích hoàng gia “ngoại thích” còn lưu giữ lại đó là di tích đình Linh Tây, nay thuộc KP.2, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức cũ, nơi hiện nay đặt bài vị thờ tự chính của họ Hồ.
Đình Linh Tây đã được UBND TP.HCM công nhận là di tích nghệ thuật theo Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 31.12.2003.
Tổng thể khu đất đình Linh Tây vào khoảng 10.000 m2. Kiến trúc chính của đình đã có nhiều thay đổi qua hai lần di dời vào năm 1927 và 1930, cách vị trí cũ so với hiện nay khoảng 500 m. Hiện tại, kết cấu kiến trúc của đình gồm: nghi môn ngoại, nghi môn nội, bình phong và khu kiến trúc đình có mặt bằng dạng chữ “Tam” với chức năng là tiền điện, trung điện và chính điện, diện tích kiến trúc chính của đình khoảng 300 m2. Mái lợp ngói di, bờ nóc gắn tiếu tượng gốm Cây Mai - Sài Gòn. Đình Linh Tây chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Bức trấn phong độc đáo

Tại khu chính điện thờ tự trung tâm là linh vị của Thành hoàng làng Linh Chiểu, vợ chồng ông bà Hồ Văn Bôi và gia tộc với các di vật xác nhận di tích hoàng gia triều Nguyễn họ ngoại (ngoại thích) như bức trấn phong có chữ Sắc tứ (Đặc mệnh vua ban), bức hoành phi có ghi tôn nội dung Thích Lý Từ Đường (Từ đường bên ngoại của vua) và bức sắc phong năm Tự Đức thứ 5 (1852) sắc cho Thành hoàng làng Linh Chiểu... cùng với hệ thống bao lam, cửa võng, khám thờ với các đề tài trang trí điển hình của mỹ thuật hoàng gia triều Nguyễn.
Đáng chú ý, trong chính điện của đình có một bức trấn phong cũng bằng chất liệu gốm Sài Gòn, kích thước cao 80 cm, ngang 50 cm, dày 17 cm. Mặt trước tạo tác đề tài tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng kết hợp rồng, hoa lá, vân mây cách điệu, phần dưới tạo chữ ghi niên đại sản xuất năm 1887 và do Hương tổng Nguyễn Văn Nguyên đặt dâng, dưới bệ ghi sản phẩm của lò gốm Nam Lợi An tạo. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là bức trấn phong thuộc hàng “bảo vật” mang tính độc bản của Việt Nam, chứa đựng rất nhiều giá trị nghệ thuật, đặt chính giữa nhang án trung tâm khu chính điện.
Tuy nhiên vào đêm 22 rạng sáng 23 tháng 6 năm 2019, bức trấn phong này đã bị kẻ gian phá khóa cửa đình, đột nhập và lấy mất. Tư liệu lưu giữ về bức trấn phong này không có hình hài cụ thể chi tiết ngoại trừ một bức hình mờ nhạt không toàn vẹn của ngành văn hóa Thủ Đức. May mắn, chúng tôi trong đợt khảo sát tư liệu phục vụ chỉnh lý trưng bày Nhà truyền thống Thủ Đức đã chụp lưu giữ bức ảnh duy nhất về bức trấn phong này. Hội đồng thẩm định hiện vật liên ngành của thành phố đánh giá giá trị bức trấn phong có thể lên đến nhiều tỉ đồng. Hiện nay, công an đang truy tìm thủ phạm và bức trấn phong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.