Tiếc cho 'lầu vua trên núi rồng'

Hiền Lương
Hiền Lương
19/03/2023 07:37 GMT+7

Lầu Bảo Đại trên núi Cảnh Long (Nha Trang) rất nổi tiếng với du khách thập phương, nhưng sau gần 30 năm vẫn giậm chân ở hạng di tích cấp tỉnh dù nhiều di tích tương tự khác đã nâng hạng cấp quốc gia từ rất lâu.


Mới đây, 5 căn biệt thự tại di tích lầu Bảo Đại được doanh nghiệp bàn giao lại cho địa phương quản lý sau nhiều năm thực hiện các dự án liên quan nhưng đình trệ kéo dài.

Tiếc cho 'lầu vua trên núi rồng' - Ảnh 1.

Một góc cụm biệt thự lầu Bảo Đại

Hiền Lương

Kiến trúc độc đáo

Lầu Bảo Đại tọa lạc trên đỉnh núi Cảnh Long (người địa phương gọi là núi Chụt), do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với kiến trúc ban đầu là 5 căn biệt thự, mục đích làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang). Lầu Bảo Đại chỉ cách trung tâm TP.Nha Trang khoảng 6 km, nằm ngay mép biển. Di tích này là kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông. Nhìn từ xa, núi Cảnh Long (núi rồng) chạy dài theo bờ biển giống như con rồng xanh khổng lồ ôm lấy vịnh Nha Trang, với 3 ngọn đồi trên mỏm núi giống như đầu rồng đang giỡn nước.

Cụm biệt thự lầu Bảo Đại nằm trong khuôn viên rộng 12 ha, là điểm nhấn nổi bật của di tích, được đặt theo tên các loài hoa nhiệt đới. Từ năm 1940 - 1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến đây nghỉ dưỡng, giải trí.

Chính sự kết hợp hài hòa giữa khung cảnh tuyệt đẹp núi và biển, nên từ lâu lầu Bảo Đại được hàng ngàn lượt chia sẻ trên cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Thế nhưng, gần 10 năm trở lại đây, du khách và người dân không thể đến đây vì khuôn viên di tích được rào chắn làm dự án.

"Thiếu đơn đề nghị của đơn vị quản lý"

Lầu Bảo Đại được xếp vào danh sách di tích văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 1995. 5 ngôi biệt thự xác định nằm trong vùng 1, kiểm soát chặt chẽ theo luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi từ năm 1995 đến nay, không hiểu vì lý do gì mà lầu Bảo Đại chỉ mới là di tích cấp tỉnh, chưa được công nhận di tích cấp quốc gia. Trong khi đó, ở nhiều địa phương khác, biệt thự của vua Bảo Đại đều đã lên di tích cấp quốc gia từ rất lâu.

Theo đại diện Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, lý do di tích lầu Bảo Đại chưa được xét xếp hạng di tích cấp quốc gia là do thiếu đơn đề nghị của đơn vị quản lý, nên di tích chưa lập hồ sơ. Ông Lê Văn Hoa, Phó giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, cho biết lầu Bảo Đại nằm trong cụm di tích cảng cầu đá, qua nhiều đơn vị quản lý khác nhau. "Trước đây, di tích này giao đơn vị Cung ứng tàu biển Nha Trang quản lý, rồi sau đó giao cho Khatoco và sau này là Công ty Khánh Hà. Trải qua nhiều đơn vị quản lý, khai thác nhưng chưa có đơn vị nào làm hồ sơ để xếp hạng di tích nên chưa có cơ sở để trình hồ sơ các cấp", ông Hoa nói.

Tiếc cho 'lầu vua trên núi rồng' - Ảnh 2.

Toàn cảnh núi Cảnh Long - nơi có di tích lầu Bảo Đại

Doanh nghiệp trả di tích

Theo Sở KH-ĐT Khánh Hòa, dự án Khu biệt thự cao cấp Bảo Đại được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2013 với mục tiêu xây dựng khu biệt thự và khách sạn chuẩn 5 sao, trong đó có các biệt thự nghỉ dưỡng cho thuê dài hạn hoặc để bán. Ngoài việc cải tạo 5 biệt thự hiện hữu, dự án còn xây khách sạn 5 tầng (108 phòng) nằm dọc sườn núi và xây 35 căn biệt thự cao cấp. Hiện nay, dự án đang chậm so với tiến độ quy định tại giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Nguyên nhân chủ yếu là cần kiểm tra, rà soát lại dự án theo quy hoạch nhằm đảm bảo quy định về xây dựng, di sản, đất đai.

Thời điểm năm 2019, Bộ VH-TT-DL có văn bản lưu ý, khi triển khai dự án cần hạn chế thấp nhất việc san gạt địa hình. Đối với việc bảo tồn 5 biệt thự hiện hữu, chủ đầu tư cần phối hợp với Sở VH-TT Khánh Hòa để được hướng dẫn triển khai bước thiết kế, thi công cải tạo, khai thác sử dụng theo quy định.

Sau ý kiến trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án để bổ sung rõ nét hơn về trách nhiệm gìn giữ giá trị 5 biệt thự hiện hữu. Đại diện doanh nghiệp cũng thừa nhận dự án đã dừng từ thời điểm năm 2017, đến nay vẫn chưa được cấp lại giấy chứng nhận đầu tư.

Trước việc dự án chậm tiến độ, tháng 12.2022, Công ty Khánh Hà đã biểu quyết thông qua phương án bàn giao 5 căn biệt thự tại lầu Bảo Đại cho tỉnh Khánh Hòa. Ngày 2.2 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì họp nghe Sở Tài chính báo cáo đề xuất phương án quản lý, khai thác 5 căn biệt thự này sau khi nhận chuyển giao.

Ông Hoa cho biết hiện tỉnh đã giao cho Sở VH-TT làm các thủ tục tiếp nhận; bước đầu sẽ trình kế hoạch trùng tu, bảo dưỡng di tích theo hướng giữ nguyên giá trị cốt lõi vốn có. "Sau khi tiếp nhận, việc lập hồ sơ thăng hạng di tích lầu Bảo Đại sẽ do Sở VH-TT tỉnh thực hiện", ông Hoa thông tin.

Sau nhiều năm lòng vòng qua nhiều chủ quản lý, du lịch Khánh Hòa không chỉ đang mất đi điểm đến đã có dấu ấn, mà nhiều hạng mục ở lầu Bảo Đại cũng đang xuống cấp từng ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.