Cách đây 5 năm, Nghệ An có gần 6.000 ha cam Vinh, nhưng đến nay chỉ còn 1.820 ha, nhiều vườn cam đã phải phá bỏ dù chưa hết chu kỳ khai thác. Tại thủ phủ cam Vinh ở H.Quỳ Hợp, năm 2018 có 3.000 ha cam, nay chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 200 ha.
Nguyên nhân là người dân đua nhau trồng, không theo định hướng, quy hoạch. 10 năm trước, mỗi ha cam Vinh cho thu nhập 500-700 triệu đồng khiến người dân ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng cam. Riêng tại xã Minh Hợp (H.Quỳ Hợp) chỉ có khoảng 600 ha đất đủ điều kiện để trồng cam, nhưng người dân đã trồng đến 1.700 ha. Cam được trồng tự phát, giống cây không đảm bảo đã khiến mầm bệnh vàng lá, thối rễ phát tán, lây lan nhanh. Cam bị bệnh, chất lượng quả cam xuống dốc, rớt giá, bán không có người mua buộc người dân phải chặt bỏ hàng ngàn ha cam vì không thể cứu chữa.
Theo đề án quy hoạch cây cam của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, đến năm 2025 tỉnh này có 6.100 ha cam và năm 2030 là 8.645 ha. Thế nhưng, đến nay Nghệ An chỉ còn 1.820 ha cam, trong đó có hơn 943 ha đang bị suy thoái và chỉ còn "nhõn" 877 ha cam đang phát triển.
Theo các nhà chuyên môn, cây cam có chu kỳ khai thác khoảng 15 năm. Đến năm thứ 12, cam bắt đầu đến giai đoạn già hóa. Tuy nhiên nhiều vườn cam ở Nghệ An đã chuyển sang giai đoạn suy thoái từ rất sớm do giống cây, kỹ thuật chăm sóc, sâu bệnh, khiến chất lượng quả cam kém và người trồng phải phá bỏ. Theo nguyên lý, khi cây cam hết chu kỳ phải thay thế cây trồng khác và 5 năm sau trồng lại, cây cam mới có thể phát triển tốt.
Không chỉ ở cấp tỉnh, các huyện trọng điểm trồng cam Vinh ở Nghệ An đều có nghị quyết, quy hoạch phát triển cây cam cho từng giai đoạn. Thế nhưng quy hoạch này vẫn chỉ nằm trên bàn giấy, khó áp dụng cho thực tiễn khi chính quyền không kiểm soát được việc trồng cam của người dân.
Bình luận (0)