Lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đăng ký thi năng lực tiếng Hàn đông nhất

Thu Hằng
Thu Hằng
05/03/2024 10:21 GMT+7

3 địa phương từng có lao động bị cấm xuất cảnh sang Hàn Quốc là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chính là 3 địa phương có số lao động đông nhất đăng ký thi năng lực tiếng Hàn năm nay.

Từ hôm nay 5.3, kỳ thi năng lực tiếng Hàn dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc diễn ra tại Hà NộiĐà Nẵng. Trong đợt thi đầu tiên của năm 2024, có hơn 8.650 thí sinh từ 53 tỉnh, thành đăng ký tham dự.

Lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đăng ký thi năng lực tiếng Hàn đông nhất- Ảnh 1.

Trong đợt thi đầu tiên của năm 2024, có hơn 8.650 thí sinh từ 53 tỉnh, thành đăng ký tham dự

THU HẰNG

Ngày 5.3, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn sẽ diễn ra từ ngày 5 - 26.3 tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Thực hiện bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB-XH về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc (Chương trình EPS), năm nay Hàn Quốc đã tăng số lượng tuyển chọn lao động Việt Nam trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Tổng chỉ tiêu dành cho Việt Nam là 15.374 người (trong đó ngành sản xuất chế tạo 11.246 người, ngành xây dựng 200 người, ngành nông nghiệp 895 người và ngành ngư nghiệp 3.033 người).

Tính đến ngày 4.3, đã có hơn 8.650 thí sinh từ 53 tỉnh, thành đăng ký thi tuyển chọn đi làm việc theo Chương trình EPS trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng.

Thanh Hóa là tỉnh có số thí sinh dự thi đông nhất, 1.941 người, tiếp đến là Nghệ An 1.523 người, Hà Tĩnh 1.416 người, Quảng Bình 942 người. Đà Nẵng có 4 người và Tiền Giang chỉ có 2 người đăng ký.

Như vậy, riêng 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có 4.880 thí sinh dự thi năng lực tiếng Hàn, chiếm hơn 56% số lao động thi đợt đầu tiên năm 2024. Đây cũng chính là 3 địa phương nhiều năm nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc do có số người bỏ trốn quá cao.

Gian lận trong kỳ thi sẽ bị cấm tham gia Chương trình EPS trong 4 năm

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho hay ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm nay tăng hơn 3.000 lao động so với năm 2023, sau nhiều lần đàm phán, phía Hàn Quốc đã tạm gỡ các biện pháp dừng tuyển lao động đối với các địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước, trừ một số ngành đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp.

Công tác ra đề thi, chấm thi, sắp xếp ca thi, chỗ ngồi và giám thị trong phòng thi tiếng Hàn do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) chủ trì thực hiện. Phòng thi được giám sát bởi camera trực tuyến kết nối với Hàn Quốc.

Trong quá trình thi, thí sinh không được sử dụng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân, thiết bị nghe nhạc và xem phim, máy ảnh hoặc bất cứ thiết bị liên lạc nào có khả năng thu, phát thông tin. Người mang theo hoặc sử dụng các thiết bị điện tử trong quá trình thi bị xem là gian lận và bị cấm tham gia Chương trình EPS trong 4 năm. Lao động vượt qua vòng thi tiếng Hàn sẽ tiếp tục kiểm tra tay nghề trong tháng 4 - tháng 7.

Sau khi thi đỗ qua 2 vòng thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, người lao động được chủ sử dụng lao động lựa chọn và ký hợp đồng. Người lao động mới đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền Việt Nam tương đương 630 USD và 390.000 đồng (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí dịch vụ xin visa và chi phí xin visa).

Bà Phạm Ngọc Lan khuyến cáo, Bộ LĐ-TB-XH giao Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất phối hợp với HRD Korea triển khai tuyển chọn phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Vì vậy, người lao động cần cảnh giác trước các thông tin "bao đỗ" qua kỳ thi tiếng Hàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.