Tiềm ẩn mối lo ngại mới về tình hình Biển Đông

18/11/2021 15:02 GMT+7

Ngày 18.11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đánh giá tình hình Biển Đông trong 1 năm qua vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới.

Những mối lo ngại mới

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định: “Biển Đông có vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, những diễn biến trên vùng biển này sẽ trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và ở các khu vực khác trên thế giới”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo

Bộ ngoại giao

Theo ông Hiệu, trong những năm gần đây, không khí đối thoại thẳng thắn, xây dựng ở Biển Đông tiếp tục được duy trì giữa tất cả các bên; tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN - Trung Quốc được khôi phục và có những tiến triển nhất định.

Tuy nhiên, ông Hiệu cho rằng tình hình Biển Đông trong 1 năm qua vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN.

“Trong khi Công ước Liên Hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán, hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực”, Thứ trưởng Hiệu nhấn mạnh.

Các biện pháp xây dựng trật tự ở Biển Đông cần phải dựa trên luật pháp quốc tế

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, hội thảo cần tập trung vào các vấn đề:

Thứ nhất, những việc cần làm để tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các nước, nhất là các nước có yêu sách, nhằm kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cùng chấp nhận được, hướng đến Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thứ hai, các biện pháp xây dựng trật tự ở Biển Đông cần phải dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, chẳng như các biện pháp cần có để khuyến khích các bên nghiêm túc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ DOC, không làm phức tạp thêm tình hình, không tiến hành các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.

Toàn cảnh hội thảo

Bộ ngoại giao

Thứ ba, làm thế nào xây dựng cấu trúc an ninh đa phương ở khu vực, xử lý hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống với vai trò trung tâm của ASEAN. Đây là cách tiếp cận cần thiết đối với việc xử lý các vấn đề an ninh khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Đồng thời, đảm bảo được quyền lợi của tất cả các quốc gia có quyền và lợi ích liên quan nhằm hướng tới mô hình quản lý Biển Đông xanh và bền vững.

Thứ tư, tìm kiếm những biện pháp thúc đẩy hợp tác biển trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào quản lý biển, đặc biệt là kinh tế biển xanh nhằm phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng trên biển vì Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.