“Trong điều trị, tiêm có vai trò quan trọng trong chữa bệnh. Tiêm không an toàn có thể gây ra các nguy cơ: nhiễm trùng tại vị trí tiêm, sốc phản vệ, dị ứng. Mũi tiêm không an toàn có thể truyền vi rút, lây truyền bệnh qua đường máu cho nhân viên y tế, người bệnh”, TS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam khuyến cáo.
Từ năm 2000, Bộ Y tế đã phát động phong trào “Tiêm an toàn” trong các bệnh viện trên toàn quốc với mong muốn sẽ giảm thiểu thấp nhất các tai biến do thực hành tiêm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị, sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh và nhân viên y tế. Tuy nhiên, đạt được 100% mũi tiêm an toàn vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều cơ sở điều trị.
Một nghiên cứu về “Kiến thức và thực hành tiêm an toàn” với 109 điều dưỡng tại bệnh viện hạng 1 thuộc Sở Y tế Hà Nội cho thấy tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tiêm an toàn (TAT) là 82,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ mũi tiêm thực hành đúng 23 tiêu chuẩn TAT mới đạt 22,2%. Kết quả trên do nhóm nghiên cứu thuộc Sở Y tế Hà Nội thực hiện trong năm 2012, tại bệnh viện có quy mô 550 giường bệnh.
|
Các nghiên cứu tại một số bệnh viện khác trên cả nước trong các năm trước đây cũng cho thấy, tỷ lệ mũi tiêm an toàn (đạt yêu cầu 100% các tiêu chí) mới đạt 12-22%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm an toàn thấp là điều dưỡng chưa cập nhật kiến thức về tiêm an toàn; chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và các thao tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong thực hành tiêm, trong thu gom, xử lý và quản lý chất thải y tế sắc nhọn.
Giảm chấn thương do vật sắc nhọn
Theo nghiên cứu về “Kiến thức, thực hành tiêm an toàn” nói trên, trong số 436 mũi tiêm được quan sát vẫn còn 17% mũi tiêm còn lưu lại kim tiêm trên vỏ lọ. Trong số 109 điều dưỡng tham gia nghiên cứu có tới 37,6% bị chấn thương do vật sắc nhọn.
Một điều dưỡng trưởng đánh giá: “Để có mũi tiêm an toàn, các điều dưỡng cần được trang bị cập nhật đầy đủ kiến thức về tiêm an toàn; được trang bị đầy đủ các phương tiện về dụng cụ, điều kiện thực hành tiêm an toàn”.
Để tỷ lệ mũi tiêm an toàn được nâng cao, bên cạnh việc trang bị kiến thức cho nhân viên y tế, đã có hơn 80 bệnh viện trên toàn quốc sử dụng loại nước cất ống nhựa thay thế cho nước cất ống thủy tinh. Nước cất ống nhựa có nhiều ưu điểm, hỗ trợ rất tích cực cho mũi tiêm an toàn.
Các thuốc tiêm ống nhựa nói chung, nước cất ống nhựa nói riêng được sản xuất trên dây chuyền công nghệ BFS (Blow/Fill/Seal) hoàn toàn tự động và liên tục. Đặc điểm nổi trội của công nghệ BFS là tính tự động hóa cao, tất cả các quy trình đều được thực hiện trong một khuôn máy, xóa bỏ các khâu xử lý lọ như: tồn kho, làm sạch, khử trùng giúp hạn chế tối đa ô nhiễm vi sinh vật. Công nghệ BFS này đã được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận là một quá trình vô trùng cao cấp, được sử dụng rộng rãi tại Mỹ và châu u.
Bao bì của sản phẩm này được làm từ nhựa đặc biệt, đảm bảo không có hóa chất gây độc hòa tan vào dung dịch thuốc tiêm, đạt tiêu chuẩn Dược điển Anh 2010. Nhờ đó, thuốc tiêm ống nhựa vừa an toàn, vừa gọn nhẹ, dễ vận chuyển và bảo quản, đồng thời đáp ứng yêu cầu của chương trình “Chăm sóc người bệnh an toàn”, tránh nguy hiểm do vật sắc nhọn cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Nước cất ống nhựa giúp nhân viên y tế thực hiện tốt hơn điều kiện Kỹ thuật vô khuẩn theo “Hướng dẫn tiêm an toàn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” của Bộ Y tế.
Ghi nhận ban đầu tại các bệnh viện đã sử dụng sản phẩm này cho thấy, khi sử dụng nước cất ống nhựa, đầu sản phẩm dễ bẻ hơn ống thủy tinh. Nước cất ống nhựa đã xóa bỏ nguy cơ gây đứt tay, hay bụi thủy tinh rơi vào bên trong ống nước cất ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh, góp phần an toàn hơn cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân, đó là ý kiến phản hồi tích cực từ các điều dưỡng khi sử dụng nước cất ống nhựa.
Nam Sơn
Bình luận (0)