Hội An xưa nổi tiếng là nơi có nhiều
người Hoa sinh sống. Chính vì vậy ẩm thực ở khu vực này rất phong phú đặc biệt là các loại bánh ngọt. Gia đình bà Tư Lan là một trong những hộ làm bánh có tiếng thời đó.
“Ngày xưa mẹ tôi giỏi lắm, một mình bà hằng ngày làm hơn 20 loại bánh để đem ra chợ bán. Ba tôi mất sớm một mình bà gồng gánh cả gia đình bằng nia bánh quê. Cái tên Tư Mua mà người ta hay gọi là tên của ba tôi. Hàng chục năm qua quen rồi nhưng tôi vẫn muốn người ta biết là
bánh bà Tư Lan vì bà mới chính là người làm bánh”, ông Đặng Hữu Hoàng con trai chủ hàng bánh kể.
Ở tiệm có 6 loại bánh, vào những ngày lễ, tết cô chú sẽ làm thêm một vài loại khác nếu có khách đặt
|
Bánh không được bày biện ra ngoài mà được cất và bảo quản bên trong, khi có khách hỏi chủ nhà mới mang ra
|
Giờ đây bà Lan đã ngoài 90 tuổi, không còn đủ sức làm bà truyền nghề lại cho con dâu nhưng số lượng bánh giảm đi hơn một nửa.
“Nhà còn mỗi vợ chồng tôi theo nghề. Vừa chăm sóc bà vừa làm bánh nên vợ chồng tôi không thể đảm bảo 20 loại như thời của bà. Bây giờ gia đình chỉ làm 6 loại để bán, nếu ai đặt thì mới làm thêm một số loại khác như xu xê mặn, chè trôi nước, bánh tô châu… Làm đủ kiếm tiền chợ thôi chứ chúng tôi cũng ngoài 60 hết rồi không ham mở tiệm gì đâu”, ông Hoàng bộc bạch.
Chồng bà mất sớm, bà gồng gánh cả gia đình bằng nia bánh. Thời đó một mình bà hàng ngày làm hơn 20 loại bánh khác nhau mang ra chợ bán
|
Khách nước ngoài đến tìm hiểu cách làm bánh truyền thống
|
Sáu loại bánh gồm
bánh ít lá gai, bánh khoai mỡ, khoai môn, xu xê ngọt, bánh thuẫn và bánh in đậu xanh. Các loại bánh ở đây hầu hết được làm từ thủ công với màu sắc tự nhiên từ khoai mỡ và bột nghệ. Hình thức bắt mắt và hương vị cũng rất dân dã, mộc mạc.
Ông Hoàng cho biết bánh thuẫn được đúc từ khuôn bằng đồng nên khuôn bánh nhìn rất đẹp và cho ra hương vị khác hẳn bánh nướng công nghiệp thời nay
|
Màu tím được làm từ khoai mỡ, màu vàng được làm từ bột nghệ và màu cam từ cà rốt. Các loại bánh được làm từ màu tự nhiên của rau củ
|
Những chiếc bánh ở đây hầu hết đều có kích thước nhỏ được làm rất tỉ mỉ
|
Bánh xu xê ở đây có 2 loại, một là được bọc trong giấy kiếng (nilon) hai là được gói bằng lá chuối. Nhiều thực khách yêu thích xu xê được gói trong lá hơn vì nó cho ra hương vị thơm hơn
|
Lá gai vừa là hàng rào vừa là nguyên liệu để làm bánh. Nhiều thực khách nước ngoài đã rất thích thú khi biết điều này
|
Bánh in đậu xanh ướt, gọi là ướt vì bánh này không được sấy khô ăn mềm mịn gần giống với chè đậu xanh đánh
|
Chè trôi nước (chè ỷ) món chè thường được ăn trong dịp sinh nhật
|
Ngoài bánh ngon ở đây còn thu hút thực khách bởi không gian ngôi
nhà cổ. Nằm gần cuối một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, tiệm bánh không có bảng hiệu, không bày biện nếu đi ngang qua nhiều thực khách có thể sẽ quay đầu đi ra nếu không hỏi. Hàng rào của ngôi nhà là những bụi lá gai xanh um trông rất đẹp mắt. Ngôi nhà nhỏ với bức tường nhuộm màu thời gian giúp cho không gian ở đây trông vừa chân quê lại vừa có nét cổ kính.
Tiệm bánh không có bàn ghế như các hàng quán chỉ bày một chiếc bàn nhỏ, một vài cái đòn (ghế gỗ thấp) nếu có khách đến.
Đây không phải là địa điểm sôi động huyên náo để giới trẻ "check in" mà nó dành cho những người thích sự hoài niệm. Các món bánh cũng không quá mới lạ nhưng nó mang một hương vị quê nhà và hơn hết là giá trị truyền thống của một gia đình.
Bình luận (0)