Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi cột mốc 20 triệu người dân được tiêm chủng là "thành tựu to lớn" của đất nước và ca ngợi các nhân viên y tế “làm việc không mệt mỏi" trong cuộc chiến chống lại Covid-19, theo AFP.
Chính phủ Anh còn đặt mục tiêu đến vào cuối tháng 7 sẽ tiêm ít nhất 1 liều đầu tiên cho toàn bộ dân số trưởng thành.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu lâm vào tình trạng thiếu vắc xin và phải tìm cách tiếp cận vắc xin Covid-19 do Nga và Trung Quốc sản xuất dù chưa được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.
Chẳng hạn, Tổng thống CH Czech Milos Zeman cho biết ông đã viết thư cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin để yêu cầu cung cấp các liều vắc xin Sputnik V sau đợt triển khai tiêm chủng đại trà chậm hơn dự kiến và bày tỏ kỳ vọng nguồn cung sẽ đến "trong vài ngày tới".
Còn Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 28.2 cho biết Hungary đã nhận được vắc xin Covid-19 từ hãng Sinopharm (Trung Quốc) cách đây vài ngày sau khi Hungary trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên sử dụng vắc xin Trung Quốc. Ông Orban cũng là người đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Các quốc gia châu Âu chuyển hướng tìm nguồn cung từ Nga và Trung Quốc vì chương trình triển khai vắc xin của EU bị chỉ trích là triển khai chậm chạp
Trong khi các quốc gia phương Tây nắm giữ hàng chục triệu liều vắc xin Covid-19, thì nhiều quốc gia nghèo hơn trên thế giới mới chỉ nhận được những mũi tiêm chủng đầu tiên, theo AFP.
Bình luận (0)