Theo tạp chí PLA Pictorial, các phi công thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa kiểm tra năng lực của các tiêm kích Su-35 cải tiến trên Biển Đông.
Theo đó, một đơn vị không quân thuộc Chiến khu nam tham gia diễn tập sau khi nâng cấp mẫu tiêm kích do hãng Sukhoi của Nga chế tạo.
Các cuộc diễn tập bao gồm 3 máy bay tấn công 1 mục tiêu trên biển, chiến thuật phối hợp khai hỏa và thao tác điều khiển bay và chiến dịch ban đêm, tạp chí trên đưa tin nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Tất cả 24 chiếc Su-35 của Trung Quốc được đưa vào biên chế một lữ đoàn không quân đóng gần thành phố Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông.
Theo bản tin, lữ đoàn trên đã tăng tốc để rút ngắn thời gian nâng cấp các tiêm kích.
Trung Quốc là khách hàng đầu tiên mua Su-35 – mẫu tiêm kích chính của Không quân Nga. Su-35 được nâng cấp từ Su-27 – tiêm kích được đưa vào biên chế Liên Xô năm 1985 và được NATO gọi là Flanker.
Su-35 có động cơ mạnh hơn và tải trọng lên đến 8 tấn để có thể mang theo các tên lửa chống hạm. Tiêm kích J-11 của Trung Quốc cũng chính là mẫu “nhái” Su-27.
Trung Quốc đặt mua 24 chiếc Su-35 vào năm 2015 với giá 2,5 tỉ USD (58.286 tỉ đồng). Lô 4 chiếc đầu tiên bàn giao tháng 12.2016 và chiếc cuối cùng giao vào tháng 4.2019, theo các nguồn tin Nga.
Thông tin về việc diễn tập được đưa ra giữa lúc tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Từ ngày 12.7, báo chí quốc tế đã đưa tin về sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Một số tờ báo dẫn thông tin từ ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Đại học Hải chiến Mỹ cho biết vào thứ tư tuần trước đó (tức ngày 3.7), tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa chất 8) cùng với 2 tàu hộ tống số hiệu 3901 (12.000 tấn, có vũ trang) và 37111 (2.200 tấn), đã vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Lập tức, lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển cũng đã có mặt tại đây để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam được quy định rõ trong luật pháp quốc tế.
Nhiều nhà quan sát quốc tế vẫn theo dõi sát diễn biến của nhóm tàu Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam và thông tin về sự xuất hiện của một số tàu hải quân khác của nước này tại khu vực trên.
Ngày 19.7, trả lời câu hỏi đề nghị bình luận về vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Theo bà Hằng, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, đến nay, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Đến ngày 20.7, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng bày tỏ quan ngại sau các thông tin về việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu nay của Việt Nam.
“Các hành động khiêu khích lặp lại của Trung Quốc nhằm vào sự khai thác dầu khí của các quốc gia khác đe dọa an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng đến thị trường năng lượng tự do và rộng mở ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
“Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và dọa dẫm bởi bất cứ bên nào nhằm khẳng định tuyên bố về chủ quyền và hàng hải. Trung Quốc nên dừng các hành vi bắt nạt và kiềm chế không thực hiện kiểu hành động khiêu khích và gây bất ổn”, thông cáo nhấn mạnh.
Bình luận (0)