Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Pasteur (Pháp) thực hiện, đăng trên chuyên san khoa học Nature ngày 8.7 cho thấy tiêm một liều vắc xin Pfizer hay AstraZeneca không bảo vệ hoặc bảo vệ rất yếu trước biến chủng Delta.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu mẫu máu của nhiều người tiêm liều thứ nhất, chỉ có 10% mẫu hình thành kháng thể ngăn biến chủng Delta. Tuy nhiên, 95% số mẫu hình thành kháng thể ngăn Delta sau khi tiêm đủ 2 liều, theo AP.
Tiến sĩ Kathleen Mullance tại Đại học Chicago (Mỹ) cho rằng đây là một trong những lý do khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các bang Illinois và Indiana.
Đây là kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và có thể không đồng nhất với hiệu quả của vắc xin ngoài đời thật. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tương tự cũng cho thấy khả năng bảo vệ yếu của các vắc xin trước biến chủng Delta nếu chỉ tiêm một liều.
Kết quả phân tích tại Anh hồi tháng 5 cho thấy một liều Pfizer hoặc AstraZeneca chỉ hiệu quả 33% trong việc ngăn chặn biểu hiện triệu chứng khi nhiễm biến chủng Delta. Tuy vậy, một liều tiêm giúp ngăn trường hợp phải nhập viện, trong đó Pfizer là 94% và AstraZeneca là 71%.
|
Sau 2 liều, mức hiệu quả tăng lên 88% đối với vắc xin Pfizer và 60% đối với vắc xin AstraZeneca trong việc ngăn biểu hiện triệu chứng do biến chủng Delta. Độ hiệu quả trong việc giúp bệnh nhân nhiễm Delta không phải nhập viện là 96% của Pfizer và 92% của AstraZeneca.
Nghiên cứu tại Canada chưa được bình duyệt cho thấy một liều Pfizer hiệu quả 56% trong việc ngăn chặn triệu chứng do biến chủng Delta sau 2 tuần. Tỷ lệ của AstraZeneca là 67% và Moderna là 72%. Một liều tiêm cũng giúp ngăn việc nhập viện do biến chủng Delta, trong đó vắc xin Pfizer hiệu quả 78%, AstraZeneca 88% và Moderna 96%.
Sau 2 liều, vắc xin Pfizer hiệu quả 87% trong việc ngăn triệu chứng của biến chủng Delta trong khi không đủ dữ liệu đối với vắc xin của AstraZeneca và Moderna.
Bình luận (0)