Tiềm năng quảng bá văn học Việt Nam từ trao đổi văn hóa

Tuấn Duy
Tuấn Duy
07/08/2023 09:15 GMT+7

Bên cạnh việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam thì những cuộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa thời gian gần đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong việc quảng bá văn học Việt.

Từ gặp gỡ đến quảng bá

Từ trước đến nay, nói đến công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài thì đa phần nỗ lực vẫn là chuyển ngữ. Dẫu vậy số lượng tác phẩm cũng như nhà văn "xuất ngoại" đi theo hướng này vẫn còn khá ít, và chỉ nằm ở những nhà văn lớn. Gần đây Bảo Ninh, Nguyễn Phan Quế Mai, Thuận… là những tác giả có sách tạo được chú ý, có dấu ấn nhất định. Trong đó nhà văn – nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai mở lối một hướng đi mới, khi tự thực hành viết văn bằng tiếng Anh.

Tiềm năng quảng bá văn học Việt Nam từ trao đổi văn hóa - Ảnh 1.

Nhà văn Kevin Chen (phải) ký tặng sách cho độc giả tại buổi tọa đàm ở Hà Nội

Vũ Duy Khoa

Dù có "điểm sáng" như đã nói trên, nhưng không thể trông chờ chỉ mỗi vào việc dịch thuật, bởi đó là một quá trình cần nhiều thời gian cũng như công sức. Không chỉ trong việc chuyển ngữ, mà cũng phải mất một khoảng thời gian thì các nhà văn mới đủ khả năng tạo dựng danh tiếng và sức hấp dẫn với các nhà xuất bản nước ngoài. Cuốn Chinatown của Thuận là một điển hình, khi phải gần 2 thập niên sau khi ra mắt thì nó mới có phiên bản tiếng Anh, ít nhiều cho thấy đây là hành trình không hề dễ dàng.

Vì vậy một trong những cách tiếp cận mới nhất đã được Hiệp hội và các Tổ chức văn chương trong nước thực hiện gần đây đó là chào đón các tác giả nước ngoài. Nếu như năm ngoái hai nhà văn lớn của Pháp là Michel Bussi và Marc Levy có dịp đến thăm Việt Nam, thì trong tháng 7 qua, nhà văn Hàn Quốc Pyun Hye Young và Kevin Chen – tác giả Đài Loan, cũng đã có dịp giao lưu với bạn đọc hai miền Nam – Bắc.

Đối với Michel Bussi và Pyun Hye Young, cả hai nhà văn đều đến dựa theo lời mời của các cơ quan văn hóa. Trong đó, Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI), Hiệp hội các Viện Văn hóa châu Âu (EUNIC) và các Đại sứ quán châu Âu ở Việt Nam đã có nhiều sự hỗ trợ trong quá trình này. Còn với trường hợp của Marc Levy và Kevin Chen, họ đến với Việt Nam vì có những lịch trình riêng. Vì vậy thời gian giao lưu cũng như kế hoạch của các tác giả có hơi gấp rút, chưa thể gặp gỡ một cách sâu rộng đối với độc giả trên toàn đất nước.

Thế nhưng thông qua những tiền lệ trên, có thể thấy Việt Nam vẫn là điểm đến được các tác giả đặc biệt quan tâm. Như Kevin Chen chia sẻ, anh sống ở Berlin, nơi có cộng đồng người Việt là cộng đồng người châu Á lớn nhất. Vì vậy từ sớm anh đã say mê ẩm thực Việt Nam và luôn muốn đến thăm Việt Nam để thưởng thức các món ăn địa phương, từ đó tìm hiểu thêm về con người, văn học Việt Nam. Do vậy hành trình đến với nước ta thông qua tiểu thuyết Vùng đất quỷ tha ma bắt là không tính trước, mà vốn ban đầu chỉ xuất phát từ yêu thích cá nhân.

Tiềm năng quảng bá văn học Việt Nam từ trao đổi văn hóa - Ảnh 2.

Nhà văn Pyun Hye Young (giữa) trong chuyến đến thăm Việt Nam và giao lưu tại sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn ở TP.HCM trong tháng 7 vừa qua

NVCC

Điều này cũng tương tự với Marc Levy, khi nhà văn Pháp vốn đến Việt Nam chỉ để dự buổi chuyển thể kịch Mọi điều ta chưa nói. Như vậy, có thể thấy rằng các công ty sách rất nên chủ động tạo ra những cuộc gặp gỡ cũng như trò chuyện giữa các tác giả cũng như độc giả, từ đó lan tỏa hiệu ứng truyền thông cho các tác phẩm nói riêng, nhưng nhìn xa hơn, cũng là góp phần quảng bá thị trường Việt Nam đến với các nhà xuất bản, công ty sách cũng như độc giả nước bạn.

Bài học từ quảng bá văn chương Hàn Quốc

Chỉ trong một thập kỷ qua, không chỉ âm nhạc, phim ảnh Hàn Quốc có được tầm ảnh hưởng rộng, mà văn chương của đất nước này cũng có được những thành tích "vô tiền khoáng hậu". Liên tiếp trong 2 năm qua, rất nhiều tác phẩm văn chương Hàn Quốc đã vào các danh sách đề cử những giải thưởng lớn, tạo được làn sóng yêu thích trên toàn thế giới. Đó là Bora Chung với Cursed Bunny (lọt vào danh sách rút gọn giải Booker quốc tế 2022), Sang Young Park với Love in the Big City (lọt vào danh sách dài cùng năm) hay mới đây nhất là The Whale của Cheon Myeong Kwan nằm trong danh sách rút gọn của năm 2023.

Ở thị trường châu Á, tại Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác, các tác phẩm sci-fi (khoa học viễn tưởng), healing (cốt truyện nhẹ nhàng, mang tính chữa lành)… cũng đang đứng đầu danh sách bán chạy. Có thể kể đến những tác phẩm như Cửa hàng tiện lợi bất tiện (Kim Ho Yeon), Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargut (Lee Miye)…

Tiềm năng quảng bá văn học Việt Nam từ trao đổi văn hóa - Ảnh 3.

Tham gia cùng đoàn văn học trẻ Đông Nam Á với tư cách một dịch giả dịch sách văn học, bà Nguyễn Lệ Chi (áo dài đỏ, với hơn 25 năm tham gia công tác dịch sách văn học) đã có những chia sẻ về vấn đề hội nhập văn học Đông Nam Á tại Hội thảo văn chương trẻ Đông Nam Á cuối tháng 7 vừa qua

C.B

Cũng như làn sóng "xuất khẩu văn hóa" Hallyu từ sớm, vào năm 1996, LTI đã được thành lập để giúp giới thiệu văn học Hàn Quốc ra nước ngoài. Từ đây họ đã thực hiện các chương trình đáng chú ý trên phạm vi quốc tế như hỗ trợ xuất bản và dịch thuật ở nước ngoài, trao đổi văn hóa và bồi dưỡng một thế hệ dịch giả mới…, hướng đến việc "toàn cầu hóa văn học Hàn Quốc", đưa văn học Hàn Quốc như một "nền văn học được thế giới đón đọc".

Với việc tài trợ xuất bản bằng các khoản đãi ngộ cho các công ty sách khai thác bản quyền của các tác giả Hàn Quốc, hỗ trợ kết nối các buổi tọa đàm – giao lưu… cũng như tổ chức rất nhiều cuộc thi trong và ngoài nước, độc giả ngày càng biết đến nền văn học này với các tác phẩm ra mắt liên tục bằng nhiều thứ tiếng.

Năm ngoái, sự kiện K-Literature Talks (Trò chuyện về văn học Hàn Quốc) đã được tổ chức tại 12 quốc gia trong đó có Việt Nam, với sự góp mặt của nhiều tác giả lớn như Han Kang, Bae Suah, Sang Young Park, Pyun Hye Young…

Tại Việt Nam, trong những năm qua, rất nhiều đơn vị phát hành trong nước như Công ty sách Nhã Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Công ty sách AZ… cũng đã có nhiều dự án hợp tác với LTI. Có thể thấy sự hỗ trợ của LTI là rất đáng quý, trong việc giới thiệu thêm nhiều tác phẩm văn chương độc đáo của Hàn Quốc. Với khoản tài trợ cho việc xuất bản, các công ty sách có thể đảm bảo giá thành và số bản in thật sự hợp lý, từ đó giúp cho đông đảo độc giả Việt có thể tiếp cận với các đầu sách này.

Để đưa văn chương Việt Nam đến với độc giả thế giới là một hành trình cần nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa. Thế nhưng ngay từ bây giờ, trong một thế giới ngày càng mở hơn, phẳng hơn, các nhà xuất bản và công ty sách có thể giới thiệu Việt Nam ra với thế giới bằng các hoạt động giao lưu, tọa đàm… Và đây cũng là một trong những đề xuất mà dịch giả Nguyễn Lệ Chi trình bày tại Hội thảo văn chương trẻ Đông Nam Á mà bà tham dự cuối tháng 7 qua tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Bà cho rằng, việc kết hợp tổ chức ra mắt các tác phẩm văn chương với các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực trong những dịp lễ hội ở các nước cũng là một cách quảng bá hấp dẫn và hiệu quả.

Đầu tháng 8 này, CHI Cultural JSC - Chibooks đã ký kết hợp tác chiến lược với NXB Khoa học kỹ thuật Quảng Tây, cùng tham gia vào Trang web dịch vụ phát triển giao dịch bản quyền giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

Theo đó Chi JSC sẽ đại diện phía Việt Nam triển khai giới thiệu bản quyền các thể loại sản phẩm văn hóa văn nghệ (sách, phim ảnh, âm nhạc, game…) của Việt Nam lên trang web này để giới thiệu, chào bán vào thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN. Đồng thời giới thiệu bản quyền các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc và của các nước ASEAN vào Việt Nam. Chi JSC cũng tiến hành thực hiện các nghiệp vụ về giao dịch bản quyền. Liên minh hợp tác này nhằm thúc đẩy các giao dịch bản quyền sản phẩm văn hóa song phương và đa phương trong khu vực, nâng cao văn hóa đọc và sự hiểu biết lẫn nhau. 

Đại diện chứng nhận lễ ký kết này có Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh - ông Đỗ Nam Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xuất bản Quảng Tây cùng các tổng biên tập và giám đốc bản quyền của các nhà xuất bản thuộc tập đoàn xuất bản Quảng Tây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.