Báo cáo giúp trấn an quan ngại ở phụ nữ về vấn đề tiêm vắc xin Covid-19 |
Reuters |
Tác giả Alison Edelman của Đại học Y tế và Khoa học Oregon (Mỹ) cho hay nhóm của bà phát hiện những thay đổi nhỏ và tạm thời ở những phụ nữ tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Chẳng hạn, chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới có thể chậm hơn gần 1 ngày so với người không tiêm. Tuy nhiên, số ngày diễn ra chu kỳ vẫn không bị ảnh hưởng trong đại đa số trường hợp, theo báo cáo đăng trên chuyên san Obstetrics & Gynecology.
Đội ngũ chuyên gia đã quan sát gần 4.000 cá nhân, độ tuổi từ 18-45. Trong số này, khoảng 2.400 người được tiêm, đa số là Pfizer (55%), kế đến là Moderna (35%) và Johnson & Johnson (7%). Số còn lại, khoảng 1.500 người, không tiêm vắc xin.
Ở nhóm tiêm vắc xin, các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu 3 chu kỳ kinh nguyệt trước khi tiêm và từng ấy thời gian sau khi tiêm (tương đương 6 tháng). Đối với nhóm không tiêm, dữ liệu được thu thập liên tục suốt nửa năm.
Kết quả cho thấy, tính trung bình, liều vắc xin đầu tiên làm tăng 0,64 ngày trong chiều dài cả chu kỳ (thường là 28), và liều thứ hai là tăng 0,79 ngày, khi so với nhóm không tiêm. Điều này có nghĩa là trong cả hai liều, phụ nữ có thể xảy ra tình trạng bị trễ kinh nguyệt gần 1 ngày.
Nguyên nhân được cho đến từ phản ứng của hệ miễn dịch.
“Chúng tôi biết rằng hệ miễn dịch và hệ sinh sản có sự liên kết với nhau”, bà Edelman cho biết.
Bác sĩ Mỹ nói gì về tin đồn vắc xin Covid-19 gây vô sinh, ảnh hưởng đến tuổi dậy thì? |
Các tác giả hy vọng báo cáo trên sẽ giúp giải tỏa thắc mắc và đẩy lùi thông tin sai lệch về việc tiêm vắc xin đối với phụ nữ. Theo Liên đoàn Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế, sự thay đổi trên không đáng kể về khía cạnh lâm sàng. Bất kỳ thay đổi nào dưới 8 ngày trong chu kỳ kinh nguyệt của tháng đều được xem bình thường.
Đội ngũ chuyên gia hy vọng có thể tiếp tục mở rộng quy mô nghiên cứu ra toàn thế giới, đồng thời có thể xác định sự chênh lệch về ảnh hưởng giữa những dòng vắc xin Covid-19 khác nhau.
Bình luận (0)