Hơn nửa thế kỷ cặm cụi với công việc dịch thuật, tên tuổi Dương Tường đã gắn với các tiểu thuyết lớn của văn chương thế giới như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Cội rễ, Người dưng, Alexis Zorba, Bức thư của người đàn bà không quen, Con đường xứ Flandres, Cái trống thiếc, Kafka trên bờ biển, Chết chịu, Lolita… và mới nhất là bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Không chỉ thế, ông còn được coi là một nhà thơ cách tân khá thành công.
Trong một lần tôi đến thăm Dương Tường tại căn nhà nhỏ yên tĩnh nằm khuất giữa ngõ Phan Huy Chú, Hà Nội, khi trao đổi với tôi về vấn đề cách tân thi ca, ông lặng lẽ lật cho xem từng trang trong tập thơ ngoài lời mang tựa đề Đàn được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003. Trong tập thơ này, không có sự hiện diện của ngôn ngữ chữ viết, mỗi bài thơ là một bức vẽ, một hình họa, một ký tự chấm phá… mang trong mình một dạng thức biểu đạt mới theo kiểu ngôn ngữ Thơ-thị-giác.
Nhận định về thế hệ thi ca mình với những gương mặt thơ vang bóng một thời như: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng… Dương Tường cho rằng: "Về quan niệm thi ca, thế hệ chúng tôi không chịu lùi một mi li mét và không bao giờ nghĩ rằng mình đi sai đường và cái mới luôn ở trước mặt. Và có mọi con đường đi tới cái mới trong thi ca, miễn là mỗi con người sáng tạo phải phát quang con đường để đi tới cái mới. Nhóm chúng tôi đều nghĩ như vậy và mỗi người cứ lầm lũi đi vào thi ca cách tân với cách của riêng mình".
Cho đến trước khi công bố một số tập thơ, Dương Tường đã là một dịch giả văn học rất nổi tiếng. Ông bước vào làng thơ và lập tức gây ra những tranh cãi về một thứ thơ còn xa lạ với dòng thơ chính thống. Nhưng đọc kỹ thơ Dương Tường, mới thấy ông đã chủ động xây dựng một ngữ-hệ-mới trong thi pháp Dương Tường nhằm mục đích tối thượng là cách tân trong sáng tạo ngôn ngữ thơ mà bài thơ Để ghi trên mộ chí sau này của ông chỉ duy nhất có một câu "Tôi đứng về phe nước mắt" đã phần nào nói lên điều ấy.
Bàn về sự cách tân trong thơ mình, Dương Tường từng khẳng định: "Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là ở chỗ họ làm việc ngôn ngữ trên chiều "biểu nghĩa" (signifié) còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều "năng nghĩa" (signifiant). Những gì ở thơ họ là "đã" thì ở thơ tôi là "đang". Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn "thẳng" còn ở tôi là mặt chữ nhìn "nghiêng". Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi". Tôi thấy, trong bài thơ ngắn Chợt thu sau đây, các âm chữ trong thơ Dương Tường đã ngân vang lên như một thứ "cầu vồng" ngũ sắc trong 5 câu thơ của một bản nhạc mới: "Chiều se sẽ hương/Vườn se sẽ sương/Đường se sẽ quạnh/Trời se sẽ lạnh/Người se sẽ buồn". Và hình như chỉ với 5 câu thơ trong bản nhạc mùa thu của Dương Tường, ta gặp một thứ âm điệu khác thường, một khúc thức khác thường, một vẻ đẹp khác thường tạo nên một hiệu ứng khác thường cả về mặt thị giác và thính giác.
Có vẻ như Dương Tường-Nhà thơ rất tâm đắc với những trang thể nghiệm Thơ ngoài lời rất độc đáo và đặc biệt này khi ông cho biết đến nay ở Việt Nam chỉ có ông và nhà thơ Trần Dần đã từng viết kiểu Thơ-thị-giác. "Trần Dần có 2 cuốn thơ kiểu này, một cuốn là Thơ không lời, còn cuốn kia là Mây không lời, còn tôi là cuốn Đàn - Thơ ngoài lời. Thơ tôi gần với thơ Trần Dần và tôi chịu ảnh hưởng của ông. Nếu nói thơ tôi có khác với Trần Dần thì đúng là có cái khác vì tôi vừa là bạn vừa là học trò của Trần Dần. Những cuộc trao đổi về thi ca với Trần Dần đã mở cho tôi hướng đi mới", Dương Tường bộc bạch.
Dương Tường nói với tôi về nguồn cảm hứng dẫn ông đến việc sáng tác tập Đàn xuất phát từ sự ngưỡng mộ đối với một nữ nghệ sĩ dương cầm. "Tập thơ tất cả chỉ có một chữ Đàn nhưng các rung cảm đưa mình đến. Bài thơ này như một cái gợi lại Hồn bướm mơ tiên nhưng vẫn là những rung động âm nhạc. Còn bài thơ này như một cái Đàn vũ trụ, khi Văn Cao xem bài thơ này, ông đã nhận ra và gọi ngay đây là Vũ trụ Đàn. Cái đàn này, âm nhạc này gợi nhớ đến Bùi Xuân Phái, tôi gọi là Đàn phố. Cái này là tranh Matisse treo ngược...", Dương Tường kể lại.
Dương Tường sinh ngày 4.8.1932, ở TP.Nam Định, năm 1944 lên Hà Nội, năm 1945 lên Vĩnh Yên tham gia Cách mạng tháng 8, làm liên lạc cho Việt Minh, năm 1949 vào bộ đội. Trong thời gian quân ngũ, Dương Tường tự học tiếng Pháp, tiếng Anh. Đến năm 1955, ông phục viên về công tác ở TTXVN, năm 1968 về hưu.
Dương Tường chỉ tiếp cho tôi xem các bài thơ khác trong tập Đàn của ông: Đây là Đàn mưa, Đàn giông tố, Đàn Chopin, Đàn khuya, Đàn xa (ngàn dặm đàn), Đàn trừu tượng (toán học, parabol, vô tận, vô cực). Còn đây là Địa đồ đàn. Tất cả những cái này, nếu xem kỹ và nghe kỹ, sẽ thấy văng vẳng một khúc nhạc, một điệu đàn nào đó. Đặc biệt, Dương Tường chỉ cho tôi xem bài thơ Đàn mệnh mà ông tâm đắc nhất trong tập thơ này và cho đó là "Bản biến tấu trên chủ đề Beethoven trong bản giao hưởng Định mệnh" với bốn tiếng đập của số phận gõ cửa thể hiện bằng bốn dấu tay trên trang thơ. Trên bản Đàn mệnh này của Dương Tường, có chữ ký của những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… nổi tiếng là bạn bè cùng thời với ông như: Văn Cao, Trần Dần, Nguyễn Xuân Khánh, Đặng Đình Hưng, Bùi Xuân Phái, Lê Đạt, Phạm Toàn, Phan Vũ, Bùi Quang Ngọc, Lưu Công Nhân…
Vào thời gian những năm cuối 60 và đầu 70 của thế kỷ trước, những thử nghiệm về thi ca của các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… không nơi nào in cả. Nhưng họ vẫn mê mải viết, kiên trì thử nghiệm rồi… chỉ đút vào ngăn kéo, và chỉ khi nào vui thì đưa ra đọc cho anh em bạn bè thân quen nghe trong những lúc "trà dư tửu hậu". Thời gian gần chục năm ấy, các nhà văn này kiếm sống bằng đi dịch thuê các nguồn tài liệu của Viện Thông tin khoa học xã hội. Dương Tường kể lại: "Những năm tháng khó khăn ấy, tôi cùng Lê Đạt, Trần Dần, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh… cứ "lăn lê bò toài" ở trong thư viện theo kiểu "cơm đùm, cơm nắm" suốt ngày ở nơi ấy. Những lúc như thế, nếu có ai đến nhà hỏi thăm chúng tôi thì người nhà đều bảo đến tìm ở mấy thư viện (thư viện Khoa học xã hội và thư viện Quốc gia), thể nào cũng gặp chúng tôi loanh quanh ở trong đó. Chúng tôi đến đó không chỉ để dịch sách mà còn để học nữa…".
Bình luận (0)