Tiền công đức; tiền tài trợ cho di tích, lễ hội: Tiếp nhận, quản lý thế nào?

01/02/2023 14:15 GMT+7

Tiếp nhận tiền công đức phải mở tài khoản, ghi chép sổ. Tiền trong hòm công đức cùng tiền đặt không đúng nơi quy định thì gom vào hòm công đức kiểm đếm chung định kỳ.

Bộ Tài chính vừa có Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội có hiệu lực thi hành từ 19.3.2023.

Theo đó, tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức:

- Bằng tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản

- Bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Có 4 hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ:

1. Tiếp nhận bằng phương thức chuyển khoản: Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Tiếp nhận tiền công đức phải mở tài khoản, ghi chép sổ hoặc kiểm đếm định kỳ - Ảnh 1.

Tiền lẻ được thu gom tại các ban thờ

L.N.H

2. Tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.

Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

3. Tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

4. Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

Quản lý, sử dụng tiền công đức thế nào?

Đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường… thì người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Tiếp nhận tiền công đức phải mở tài khoản, ghi chép sổ hoặc kiểm đếm định kỳ - Ảnh 2.

Số tiền lẻ được gom lại cho vào hòm công đức tại chùa Long Tiên

L.N.H

Đối với di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng gồm đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và cơ sở tương tự khác thì người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Đối với các di tích thuộc sở hữu tư nhân thì chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, Thông tư ban hành vào ngày 19.1 cũng quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao thông đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng; và quản lý, sử dụng tiền công đức giao cho ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.