Theo Ban quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV), tính đến 22.3, phần diện tích đất bàn giao từ UBND tỉnh Đồng Nai là 1.589 ha (trên 1.810 ha), trong đó nhận chính thức 1.285 ha, nhận tạm bàn giao thêm 304 ha hôm 16.3.
Việc bàn giao mặt bằng kiểu "xôi đỗ" khiến tiến độ thi công thực tế tại sân bay Long Thành mới đạt 1/3 công suất |
lê lâm |
Tuy nhiên, hiện trạng bàn giao đất với tình trạng "xôi đỗ", cụ thể khu vực dự trữ đất 219,87 ha hiện đang chỉ thi công đắp đất được trên diện tích 151,87 ha. Phần còn là các khu vực phạm vi hẹp, "xôi đỗ" và các vùng đệm tránh đất sạt lở vào nhà dân chưa di dời tại khu vực xung quanh nên chưa thể thi công được. Theo Ban quản lý dự án, với hiện trạng mặt bằng nêu trên sẽ không đảm bảo tiến độ thi công san nền trong thời gian tới.
Thi công 1/3 công suất vì thiếu mặt bằng
Đáng chú ý, các hạng mục khác như rà phá bom mìn, tường rào ranh giới đều bám sát tiến độ và hoàn thành trên phần đất được giao. Phần tường rào ranh giới khép kín toàn bộ 5.000 ha để phục vụ công tác an ninh giai đoạn thi công dự án và chống tái lấn chiếm khi hoàn thành giai đoạn 1, ACV cũng đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật và lựa chọn được tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Tư vấn đã hoàn thành chôn 48/48 mốc, hiện tại đang cắm tim cọc, đo trắc dọc bình đồ tuyến (8/21 km) và khảo sát hiện trạng. Tuy nhiên, chưa có mặt bằng để triển khai thi công.
Về nhân lực và thiết bị, các nhà thầu đảm bảo thi công 3 ca/ngày. Dù vậy, việc thiếu mặt bằng tại khu vực đắp đất, trữ đất; đồng thời tại các khu vực mới được bàn giao trong tháng 3.2022 có tình trạng "xôi đỗ" nên các dây chuyền chưa hoạt động hết công suất.
Cụ thể, tại khu vực dự trữ đất 233,6 ha/722 ha, hiện đang chỉ thi công đắp đất được trên diện tích 151,87 ha. Phần còn lại khoảng 81.73 ha là các khu vực phạm vi hẹp, "xôi đỗ" và các vùng đệm tránh đất sạt lở vào nhà dân chưa di dời tại khu vực xung quanh nên chưa thể thi công được. Mặt bằng vướng nhà dân xen kẽ với các khu vực thi công sẽ tiềm ần nhiều nguy hiểm và không đảm bảo tiến độ thi công san nền trong thời gian tới.
Khu vực thi công giai đoạn 1 dự án 1.589 ha/1.810 ha, tương tự tại khu vực đắp đất phía đầu tây đường cất hạ cánh với 344,63 ha bàn giao ngày 16.3 cũng có hiện trạng "xôi đỗ" xen kẹt giữa nhà dân và khu vực thi công đắp đất. Vì thế, theo Ban quản lý dự án, chỉ có thể thi công được trên phạm vi 200,4 ha phần còn lại khoảng 144,13 ha không thể thi công được, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho nhà dân còn sót lại trong khu vực này.
Với số lượng máy móc, thiết bị, nhân sự hiện có, tổng công suất thi công 3 ca/ngày đêm có thể đạt tới 300.000 m3 đào đắp/ngày đêm hoặc cao hơn tới 350.000 - 400.000 m3. Nhưng thực tế do vướng mặt bằng nên các đơn vị chỉ thi công được 100.000 m3 đào đắp/ngày.
Bế tắc giao thông kết nối
Theo ACV, toàn bộ các hạng mục hạ tầng khu bay sẽ được khởi công đồng bộ trong tháng 12.2022 và hoàn thành phần xây dựng trong quý 4/2024. Về hạng mục giao thông kết nối, ACV đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở) và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế kỹ thuật trong tháng 3.2022. Tư vấn trúng thầu TEDI đã tiến hành triển khai thiết kế kỹ thuật với tiến độ 5 tháng, hoàn thành vào tháng 8.2022 để thẩm định, phê duyệt, đấu thầu và thi công vào tháng 12.2022.
Hệ thống giao thông kết nối đến sân bay Long Thành |
ACV |
ACV cho biết đang phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai trong công tác giải phóng mặt bằng cho 2 tuyến giao thông kết nối trước mắt để phục vụ làm đường công vụ trong quá trình thi công dự án.
Tuy nhiên, theo đại diện ACV, bên cạnh khó khăn về mặt bằng, quan ngại nhất là các dự án giao thông kết nối đối với Cảng HKQT Long Thành, đặc biệt là từ TP.HCM đi sân bay Long Thành đang chậm triển khai. Tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây ngay những ngày thường như hiện nay thì vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Dự báo khi Cảng HKQT Long Thành đi vào khai thác, lượng khách đi đến sân bay cộng với lưu lượng xe hàng ngày hiện nay thì chắc chắn tuyến cao tốc này không thể đáp ứng được. Việc mở rộng tuyến giao thông này là rất cấp bách song lại đang triển khai rất chậm chạp.
Dù vậy, đại diện ACV cho biết, toàn bộ hạng mục dự án (thành phần 2) đang bám sát tiến độ, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án và mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác ngày 2.9.2025.
Dự án thành phần 2 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu gói TV03 đã bị chậm 2 tháng so với tiến độ đã được Bộ GTVT chấp thuận nên khả năng tiến độ thực hiện gói thầu tư vấn bị chậm.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phải báo cáo tiến độ chi tiết hàng tuần, so sánh kết quả đạt được so với kế hoạch, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo khởi công phần móng chậm nhất vào tháng 10.2022, hoàn thành đồng bộ toàn dự án vào tháng 12.2024.
Bình luận (0)