Sáng 9.6, lễ truy điệu bà Ngô Thị Huệ, cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Cùng dự có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM.
Lễ tang bà Ngô Thị Huệ được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam |
nhật thịnh |
Đọc điếu văn, Bí thư Nguyễn Văn Nên, Trưởng ban lễ tang bày tỏ bà Ngô Thị Huệ là một người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng; một phụ nữ kiên gan, bất khuất, nhân hậu, thủy chung; một cán bộ lão thành cách mạng đã cống hiến trọn cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Dẫu biết cuộc đời là hữu hạn, sinh - tử là quy luật của tạo hóa, nhưng sự ra đi của bà Ngô Thị Huệ khiến nhiều người xúc động, ngậm ngùi, thương tiếc. “Hình ảnh thân thương, tinh thần sống lạc quan, nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng rộng lớn, tình cảm thiết tha của cô Bảy Huệ kính yêu sẽ còn đọng mãi trong tâm trí chúng ta”, Bí thư Nguyễn Văn Nên xúc động.
Đọc điếu văn, Bí thư Nguyễn Văn Nên ôn lại những nét chính trong cuộc đời hoạt động cách mạng và những đóng góp quan trọng của bà Ngô Thị Huệ |
nhật thịnh |
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho biết bà Ngô Thị Huệ đã dành gần trọn cuộc đời đi theo cách mạng, 105 tuổi đời, 87 tuổi Đảng, được giao nhiều trọng trách khác nhau, nhưng ở cương vị nào cũng đem hết tâm sức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
“Ý chí, nghị lực, lòng trung thành, dũng cảm của đồng chí mãi là biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam Anh hùng”, ông Nguyễn Văn Nên nhận định.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thắp nhang và chia buồn cùng gia quyến |
Đại diện gia đình, bà Nguyễn Thị Hòa (con gái bà Ngô Thị Huệ) bày tỏ lòng biết ơn những tình cảm yêu thương, chia sẻ mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, anh em, bạn bè đồng chí đã dành cho mẹ suốt những ngày qua.
Gia đình cũng gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã tận tình chăm sóc bà những ngày cuối đời.
Trong 3 ngày diễn ra tang lễ, nhiều đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP.HCM và các bộ, ngành, địa phương, gia đình, thân hữu đã đến viếng bà Ngô Thị Huệ và chia buồn cùng gia quyến.
Thay mặt gia đình, bà Nguyễn Thị Hòa (con gái bà Ngô Thị Huệ) gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP.HCM cùng thân hữu đã đến tiễn đưa |
NHẬT THỊNH |
Sau lễ truy điệu, đoàn xe di chuyển linh cữu bà Ngô Thị Huệ đi ngang Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà riêng, trước khi an táng tại Nghĩa trang Thành phố (TP.Thủ Đức, TPHCM).
Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM đến chia buồn cùng gia quyến |
Gia đình, thân hữu đến tiễn đưa bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh |
nhật thịnh |
Một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam
Bà Ngô Thị Huệ sinh năm 1918 tại xã Mỹ Quới, H.Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Mỹ Quới, H.Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) trong gia đình có truyền thống cách mạng, mang nặng tình yêu quê hương, đất nước.
Năm 1936, bà Ngô Thị Huệ thoát ly gia đình tham gia cách mạng với vị trí giao liên. Hai năm sau, bà được kết nạp vào Đảng, sau đó tham gia cách mạng ở nhiều địa bàn khu vực phía Nam. Năm 1941, bà bị địch bắt. Năm 1942, bà bắt được liên lạc với Thành ủy Sài Gòn, nối liên lạc với liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Sau đó, bà bị địch bắt lần 2, kết án tù chung thân, giam tại Khám Catinat Sài Gòn.
Năm 1945, Nhật đảo chính, nhờ lực lượng tiến bộ vận động, bà được thả về tỉnh Bạc Liêu, tham gia giành chính quyền. Năm 1946, bà trúng cử đại biểu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I. Bà cũng là 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam.
Năm 1948, bà Ngô Thị Huệ là ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, năm 1952 công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam, Đảng đoàn Phụ nữ Nam bộ và Ban Phụ vận Nam bộ.
Năm 1962, công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, lần lượt giữ chức vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ miền Nam. Đến năm 1979, bà nghỉ hưu. Từ năm 1994 đến nay, bà tham gia Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM với các chức vụ: phó chủ tịch, chủ tịch danh dự.
Trước những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, bà Ngô Thị Huệ vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.
Bình luận (0)