'Tiên học lễ, hậu học văn' dùng hay không, không quá quan trọng

28/11/2021 12:15 GMT+7

Gieo hạt mầm chữ 'lễ' cho con trẻ là lối sống của chúng ta chứ không phải là việc hô câu khẩu hiệu. Vì thế 'Tiên học lễ, hậu học văn' dùng hay không, không quá quan trọng.

Mấy ngày nay nhiều ý kiến tranh luận khi GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn- ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất giáo dục Việt Nam nên bỏ câu khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn" . Tôi đọc tranh luận ngồi nghĩ đến mấy câu chuyện nhỏ được chứng kiến.

Biết chào người lớn răm rắp có phải là trẻ ngoan

Những năm đi học thời 8X chúng tôi đến lớp đều thấy câu "Tiên học lễ hậu học văn" to đùng được viết bằng sơn đỏ phía trên bảng đen. Hồi đó, có quy định mỗi khi giáo viên vào, cả lớp sẽ đứng lên hô theo lớp trưởng “cả lớp chào cô/thầy ạ”. Đầu năm học lớp 8, tiết học cô giáo dạy môn đạo đức hôm đó cả lớp hô rất rời rạc theo lớp trưởng. Cô ôm cái cặp đứng trên bục giảng đưa ánh mắt nghiêm khắc nhìn cả lớp rồi gằn giọng nói: “Chưa đều, hô lại cho tôi!”. Cả lớp tôi hô đi hô lại lời chào lần thứ 4 cô mới vừa ý cho ngồi xuống!

Năm học đó, giờ nào của cô lớp tôi cũng hô lời chào to và đều nhất nhưng trong lòng thì đứa nào cũng ngán cô. Ngoài giờ học chúng tôi chỉ mong không chạm mặt cô vì cứ hễ gặp cô là phải chào thật to.

Trẻ sẽ không học được gì nhiều qua những gì chúng ta bảo trẻ làm mà trẻ sẽ học chủ yếu thông qua việc nhìn thấy chúng ta làm

Hà Ngọc Nga

Tôi về quê nghe mẹ tôi kể “thằng bé B cháu bà N ngoan lắm, mẹ nó đi làm ăn xa gửi cho bà nuôi, bà rèn đến nơi đến chốn, gặp ai cũng khoanh tay chào, qua đây chơi cấm có ho he gì cả”. Tôi nghe mẹ kể nên tò mò qua nhà hàng xóm xem sao. Cậu bé 3 tuổi đang chơi một mình ở sân. Tôi cất tiếng chào “cô Nga chào em B nhé…”, cậu bé bất giác ngước lên nhìn tôi một cách lạ lẫm, không nói gì. Bà của cậu bé lúc đó từ nhà chạy ra giọng to tiếng: “B sao không chào cô? Bà đánh bây giờ. Chào cô đi!”. Cậu bé không đợi bà nói dứt câu khoanh tay nhanh nhẩu “ạ, ạ chào cô!” rồi tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt dò xét đúng kiểu dành cho người lạ.

Tôi trở về nhà, không có cảm nhận gì nhiều ngoài một nỗi thấy thương thằng bé lẫn ký ức học trò năm lớp 8 của mình.

Ở trường tôi, một ngôi trường mầm non bé tẹo, trong quy trình đón bé hàng ngày có bước đầu tiên: “Cô giáo chào phụ huynh 'cô chào ba/chào mẹ nhé' sau đó, ngồi xuống ngang tầm mắt của bé và chào bé 'cô chào con!' Sau đó hỏi bé con có muốn chào tạm biệt ba mẹ không?”.

Đầu năm, chúng tôi luôn nhận được câu chào lại của phụ huynh nhưng trẻ thì hên xui. Hôm nào vui thì quay lại chào ba mẹ, rồi chào cô. Hôm nào tâm trạng đang xám xịt thì òa khóc, hôm nào đang có việc gì cáu thì trả lời là “không”, hôm nào đang cao hứng thì chạy tọt ngay vào trường…Không sao cả, chúng tôi không dọa nạt, không trách móc trẻ vì sao không chào mà cứ kiên trì làm gương “lời chào đi trước” của mình.

trường con trai tôi đang theo học, một ngôi trường tư thục cũng nho nhỏ, mới toanh, câu khẩu hiệu được viết ngay ở sảnh chính là : “Giáo dục không phải là đổ cho đầy mà khơi lên ngọn lửa…” và thật may mắn, dù đang phải học trực tuyến tôi vẫn cảm nhận được con tôi đang được học trong một môi trường mà thầy cô ở đây thực sự thấm nhuần câu khẩu hiệu đó. Ngoài những bài học thuộc phạm trù nhân cách, đạo đức, các thầy cô cũng có những hoạt động thực sự khơi gợi cho con chứ không đơn thuần là những bài giảng khô cứng trong sách. Con trai tôi thoải mái được bày tỏ ý kiến của mình, thẳng thắn nói với cô “hôm nay con thấy cô dạy chán chán ra sao ấy, cô cho con nghỉ một tiết nhé” mà không bị gán ghép 'hỗn hào' …Những nguyên tắc đã phổ biến của lớp học, tôn trọng bạn bè, tình cảm với thầy cô…tôi đều cảm nhận cháu đang được vun đắp hàng ngày.

Người lớn hãy cứ làm gương trước, trẻ ắt tự học theo, còn khẩu hiệu có hay không không quá quan trọng

Hà Ngọc Nga

Lễ từ đâu mà có?

Vì sao chúng ta hiếu thảo với bố mẹ, tôn trọng thầy cô, quan tâm đến người khác, chia sẻ với đồng bào... Có phải chúng ta được dạy từ sách vở và những bài học ở nhà trường hay không?

Tôi nghĩ nếu chỉ đến từ những bài học khô cứng, những quy định ép buộc thì chúng ta không thể nào có được những học sinh có lễ nghĩa thực sự. Học sinh sẽ như chúng tôi năm lớp 8 hô to chào cô vì quy định hay như cậu bé hàng xóm của tôi chào người lạ vì sự sợ sệt.

Chữ "lễ" ngày nay cũng cần được hiểu một cách linh hoạt phù hợp với lối sống mới. Những giá trị truyền thống nào cần được giữ, những giá trị hiện đại nào cần được bồi đắp, những giá trị nào lạc hậu không còn phù hợp đang cản trở sự phát triển tư duy của trẻ cần phải loại bỏ. Chúng ta cần xác định lại để đặt ra mục tiêu và phương thức bồi đắp phù hợp cho con em chúng ta.

Chữ "lễ" phải được vun trồng qua năm tháng chứ không phải ngày một ngày hai. Vì vậy, nguồn gốc sâu xa của chữ lễ phải đến từ những bồi đắp hoạt động giáo dục hàng ngày. Mà trong đó, hai chữ “làm gương” của thầy cô, bố mẹ là yếu tố quan trọng nhất để bồi đắp suối nguồn nhân cách thực sự cho con. Bởi vì, trẻ sẽ không học được gì nhiều qua những gì chúng ta bảo trẻ làm mà trẻ sẽ học chủ yếu thông qua việc nhìn thấy chúng ta làm gì.

Theo tôi, muốn trẻ chào hỏi, người lớn hãy chào trẻ khi gặp mặt. Muốn trẻ bao dung, người lớn hãy vị tha mỗi khi trẻ mắc sai lầm. Muốn trẻ hòa đồng, người lớn hãy mở lòng. Muốn trẻ bình tĩnh, người lớn hãy bình tâm ứng phó với sự cố. Muốn trẻ tôn trọng thầy cô, bạn bè, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, người lớn hãy gieo hạt mầm yêu thương những người đó trong trẻ. Muốn trẻ sáng tạo, người lớn hãy học cách khiêm nhường…

Gieo hạt mầm chữ “lễ” cho con trẻ là lối sống của chúng ta chứ không phải là việc hô câu khẩu hiệu nào.Vì vậy, “tiên học lễ, hậu học văn” dùng hay không dùng cũng không quá quan trọng bằng việc xác định được đâu là triết lý cốt lõi cho nền giáo dục của chúng ta trong thời đại mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.