Tuy nhiên, thế bế tắc vẫn chưa được tháo gỡ vì ông Scalise chỉ giành được 50,7% ủng hộ, chưa đủ để ngồi vào ghế lãnh đạo Hạ viện. Theo Reuters, đáng nói hơn là dù ông Scalise được đối thủ lớn nhất là ông Jim Jordan ủng hộ, các đảng viên khác vẫn quyết định không dự phiên họp ngày 11.10 và từ chối bỏ phiếu cho ông.
Điều này đã bỏ ngỏ câu hỏi liệu những gì từng diễn ra với cựu Chủ tịch Hạ viện McCarthy có lặp lại với ông Scalise hay không. Vào tháng 1, ông McCarthy đã gặp hàng loạt khó khăn khi trải qua đến 15 vòng bỏ phiếu và phải thỏa hiệp nhiều điều kiện bất lợi cho bản thân, để đổi lấy phiếu bầu từ các đảng viên Cộng hòa bảo thủ.
Tuy nhiên, chỉ 9 tháng sau đó, ông đã bị loại khỏi ghế chủ tịch khi các chính sách của ông "làm phật lòng" 8 nhà lập pháp của chính đảng mà ông là thành viên.
Dù nắm quyền ở Hạ viện, đảng Cộng hòa chỉ chiếm thế đa số hẹp là 221 ghế so với 212 ghế của phe Dân chủ. Điều này nghĩa là nội bộ phe Cộng hòa phải thật sự đoàn kết trong các phiên họp tại Hạ viện, vì đảng Dân chủ không có xu hướng ủng hộ bất kỳ đề cử lãnh đạo nào từ đảng đối thủ. Hơn nữa, quá trình chọn chủ tịch cũng cần được đẩy nhanh, nếu không chính phủ Mỹ không thể thông qua các dự luật chi tiêu trước khi nguồn tài trợ hiện tại dự kiến cạn kiệt vào ngày 17.11. Viễn cảnh này sẽ đẩy chính phủ vào tình trạng đóng cửa thật sự, theo trang Politico.
Ngoài ra, thời gian cũng không còn nhiều cho phe Cộng hòa, bởi Hạ viện đang rất cần người đứng đầu để có thể ra các quyết định liên quan chiến sự ở Israel và việc liệu có phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine hay không. Trong tình thế cấp bách, ông Scalise đã ra các cam kết rằng nếu được chọn, hành động đầu tiên của ông sẽ là tổ chức cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết nêu rõ rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng Israel trong cuộc chiến ở Dải Gaza.
Bình luận (0)