Theo phân tích của Ban Tuyên giáo T.Ư, so sánh tiền lương (gồm cả phụ cấp) thì lương của giáo viên cao hơn lương của bác sĩ, chuyên viên các cơ quan nhà nước, và chỉ đứng sau lực lượng vũ trang.
Cụ thể, so sánh tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự (có mức lương cơ bản là 2,34 x 1,3 triệu đồng/tháng = 3,042 triệu đồng/tháng) thì tiền lương/tháng (gồm lương cơ bản cộng phụ cấp) của cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan công tác ở địa bàn xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (là xã đặc biệt khó khăn được áp dụng phụ cấp đặc biệt 100%, phụ cấp thu hút 70% và phụ cấp khu vực 0,7) như sau:
Chuyên viên bậc 1 (tốt nghiệp đại học hết tập sự) được hưởng 9.883.900 đồng/tháng (hưởng 25% phụ cấp công vụ); chuyên viên bậc 9 được hưởng 20.008.300 đồng/tháng.
Bác sĩ bậc 1 (tốt nghiệp đại học, hết tập sự) được hưởng 11.252.800 đồng/tháng (hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề 70%); bác sĩ bậc 9 được hưởng 22.921.300 đồng/tháng.
Giáo viên trung học phổ thông bậc 1 (tốt nghiệp đại học hết tập sự) được hưởng 11.252.800 đồng/tháng (hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề 70%); giáo viên trung học phổ thông bậc 9 được hưởng 24.475.360 đồng/tháng (được hưởng phụ cấp thâm niên nghề 24%).
|
Như vậy, tiền lương của giáo viên (gồm lương cơ bản cộng với phụ cấp) là cao nhất trong khu vực hành chính, sự nghiệp, chỉ thấp hơn lực lượng vũ trang cùng công tác trên địa bàn.
Trước đó, nội dung "xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" đã được ban soạn thảo đưa vào những dự thảo đầu tiên của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên, nội dung này sau đó đã bị bỏ ra khỏi dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, do 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng ý.
Theo giải thích của Bộ Nội vụ khi đó thì do Ban Chỉ đạo T.Ư về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang xây dựng Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp trình Hội nghị T.Ư 7 khóa 12. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo trong dự án luật.
Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc thực hiện chính sách tiền lương đối với nhà giáo, mức lương của giáo viên (bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề) là 3.264.300 đồng/tháng (giáo viên mầm mon, tiểu học mới ra trường, hệ số 1,86). Giáo viên trung học phổ thông, hệ số 2,34 thấp nhất là 3.954.600 đồng/tháng.
Các giáo viên này sau 25 năm làm việc sẽ có thêm ưu đãi thâm niên nghề và ưu đãi vượt khung, mức lương dao động từ 9,1 - 10,5 triệu đồng.
Theo giải thích của Bộ Giáo dục - Đào tạo, do được ưu đãi vùng miền, nên lương và thu nhập có tính chất như lương giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đang trong thời kỳ được hưởng đủ các chính sách như phụ cấp thu hút (70%), phụ cấp ưu đãi (70%) có thu nhập cao gần gấp đôi lương giáo viên đang công tác vùng thuận lợi. Tuy nhiên, phụ cấp thu hút chỉ được hưởng tối đa 5 năm trong cả quá trình công tác.
|
Bình luận (0)