Tiền lương, phúc lợi và công việc bền vững

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
05/06/2024 04:10 GMT+7

Có vẻ như thông tin TP.HCM thiếu hụt lao động phổ thông ngay giữa năm khiến nhiều người bất ngờ, dù điều này đã được cảnh báo từ sớm.

Thông thường, chỉ thấy hình ảnh các bảng, băng rôn tuyển dụng được treo nhiều ở những khu chế xuất và công nghiệp tại TP.HCM vào dịp cuối năm hoặc sau tết Nguyên đán. Nhưng bây giờ, ngay giữa năm, các công ty loay hoay tìm người lao động (NLĐ) bằng cách đưa ra nhiều thông tin phúc lợi mới. Điều đáng nói, không phải công ty nào cũng tuyển nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh khi có đơn hàng mới ký, mà có nhiều đơn vị đang tuyển để đắp vào số NLĐ nghỉ việc.

Khi khảo sát thực tế từ các công ty, NLĐ, cho thấy hiện trạng này nổi lên do thời điểm sắp có những bước "chuyển giao" lớn trong kinh tế, chính sách lẫn thị trường lao động.

Một trong những vấn đề lớn nhất dẫn tới thực trạng này là tiền lương, phúc lợi và công việc bền vững. NLĐ có lý do hợp lý để nghỉ việc khi họ thấy rằng mức lương hiện tại không đủ để nuôi sống bản thân, gia đình họ nữa. Khó có thể "ép" một công nhân nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng khi sau lưng họ còn con cái, cha mẹ già.

Cùng với đó, khi nhà nước muốn thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH - như quy định chỉ cho rút 50% BHXH một lần tại dự thảo luật BHXH) và trợ cấp thất nghiệp (như quy định không cho NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng được hưởng chế độ thất nghiệp tại dự thảo luật Việc làm), thì tâm lý NLĐ càng trở nên bất an hơn. Thế là có một lượng lớn công nhân nghỉ việc để "chạy luật".

Trong khi đó, thị trường lao động lớn nhất nước này đang chứng kiến những loại hình công việc mới và NLĐ ngày càng đề cao tính di động của công việc. Thay vì chôn chân 8 tiếng trong nhà máy với mức lương thấp, công nhân tính toán có thể chủ động thời gian để vừa chạy xe ôm công nghệ, vừa may gia công tại nhà, bán vé máy bay, bán hàng online…

Nhưng còn một nghịch lý nữa: NLĐ đã qua đào tạo, nhất là trình độ đại học trở lên, lại ít cơ hội việc làm hơn. Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy có 62,42% NLĐ tìm việc có trình độ đại học trở lên, nhưng nhu cầu nhân lực chỉ có 21,30%.

Ngoài ra, thực trạng này còn thể hiện qua tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng (dư cung lao động). Theo Tổng cục Thống kê, cả nước trong quý 1/2024, tỷ lệ này là 4,4% (tương ứng hơn 2,3 triệu người, cao hơn 0,4% so với mức cho phép).

Điều này có nghĩa là thị trường vẫn chưa tận dụng được hết lực lượng lao động trong khi lưới an sinh xã hội vẫn chưa đạt hiệu quả bao phủ.

Dù đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội. Nhà nước đã can thiệp bằng nhìn nhận đúng các diễn biến, song thời gian tới cần có những chương trình, đề án, cơ chế hỗ trợ cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo đà cho sự chuyển đổi. Còn lại, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ doanh nghiệp (như chuyển đổi số, xanh, phát triển bền vững, trả lương tương xứng) và phía NLĐ (như tự trau dồi các kỹ năng để không bị thị trường bỏ lại) để cân bằng lại cán cân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.