Ùn ùn tiền chảy vào ngân hàng
Dù lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây nhưng dòng tiền nhàn rỗi hiện vẫn trú ẩn vào kênh này. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ trong tháng 9, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng khá mạnh với 217.000 tỉ đồng, lên 6,23 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng tiền gửi của khối tổ chức nhanh hơn so với dân cư trong những tháng gần đây. Trong tháng 9, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 16.000 tỉ đồng, các NH thu hút hơn 6,449 triệu tỉ đồng. Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trong tháng 9 cũng giảm xuống còn 8,53% từ mức 8,7% của tháng 8.
Lãi suất quá rẻ, một phần dòng tiền trên thị trường đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trong năm mới. Chị Thanh Diệu (Q.10, TP.HCM) cho hay đến tháng 11.2023, sổ tiết kiệm 2 tỉ đồng đến kỳ đáo hạn, lãi suất tiết kiệm còn 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng thay vì gần 10%/năm trước đó nên chị đang tìm hiểu cơ hội đầu tư khác, trong đó bất động sản (BĐS) được ưu tiên hàng đầu. Chị Diệu kỳ vọng với nhiều giải pháp được triển khai trong thời gian qua, cộng với vốn vay cho BĐS cũng giảm nên khả năng thị trường này sẽ sớm hồi phục. "Tôi đang đi săn BĐS giá rẻ, việc này cần nhiều thời gian nên hy vọng vào những tháng đầu năm tôi sẽ tìm được nhà, đất ưng ý. Số tiền nhàn rỗi này tạm thời vẫn gửi ở NH", chị Diệu cho hay.
Săn BĐS giá rẻ cũng là tâm lý của không ít người ở thời điểm vốn rẻ hiện nay. Chị N.H (Q.3, TP.HCM) cho biết giá các dự án mới không giảm, thậm chí vẫn tăng nhưng giá trên thị trường thứ cấp thì giảm khá mạnh. Thậm chí nếu may mắn, gặp người nào đang kẹt vốn thì có thể mua được BĐS giá tốt. "Tôi có một ít vốn gửi NH mấy năm nay nhưng giờ lãi suất thấp quá nên đang tìm mua căn hộ cho thuê lấy tiền chợ hằng tháng. Nhiều dự án mới ở vài năm nhưng giá giảm khá mạnh, mua thời điểm này được giá tốt. Sau này thị trường khởi sắc trở lại thì giá cũng tăng, chẳng đi đâu mà thiệt", chị N.H nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng người dân hiện vẫn chưa mạnh dạn đổ tiền đầu tư nên dù lãi suất tiết kiệm tiền gửi NH xuống dưới 6%/năm, họ vẫn chọn gửi tiền vào đây. Thế nên dòng tiền nhàn rỗi trú ẩn ở kênh tiết kiệm có lẽ đứng đầu bảng. "Ở các kênh như chứng khoán, BĐS chưa có sự phục hồi rõ nét. Thanh khoản thị trường BĐS còn thấp, cung - cầu còn lệch pha nên nhiều người vẫn chưa mạnh dạn tham gia. Chứng khoán thì nhà đầu tư cũng còn tâm lý e dè, tỷ giá tăng giảm khó dự báo… Thế nhưng tùy theo khẩu vị rủi ro của mỗi người mà nhìn thấy cơ hội để "bắt đáy" ở các kênh đầu tư này", ông Huân nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì dự báo kênh BĐS trong năm 2024 sẽ ấm lên. Thị trường này đang có nhiều yếu tố hỗ trợ như lãi suất đang hạ nhiệt và trở về giai đoạn trước dịch Covid-19; các vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng dần được tháo gỡ; quy hoạch các cấp đang hoàn thiện; đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh. Về lâu dài, BĐS vẫn là kênh đầu tư tốt vì kinh tế VN đang phát triển, đi kèm theo đó là nhu cầu nhà ở cũng còn cao. "Nhiều người vẫn đang chờ giá giảm mới tham gia nhưng giá khó có thể giảm sâu khi nguồn cung trên thị trường không nhiều, chi phí xây dựng tăng cao", ông Hiếu đánh giá.
Vàng vẫn tăng qua các năm
Vàng hiện đang trong giai đoạn thăng hoa khi giá tăng liên tục nên nhiều người cũng lựa chọn tích cóp từng chỉ một nhằm tiết kiệm và bảo toàn vốn. Chị Thùy Anh (Hà Nội) kể chị "có duyên" với vàng chứ thực tế không biết đánh giá chỗ nào lời nhiều lời ít. Tích cóp được hơn 60 triệu đồng, chị quyết định mua vàng để tiện cất trữ và dùng khi cần. "Mua vàng thì giữ được chứ giữ tiền mặt thì hay chi tiêu, còn vàng thì lười đi bán nên còn đó. Mấy năm trước, vì không đủ tiền mua 1 lượng vàng miếng SJC, tôi mua 6 chỉ vàng nhẫn nhân dịp vía Thần tài với số tiền hơn 33 triệu đồng. Từ đó cứ mỗi lần có vài triệu đồng, tôi lại tiết kiệm cho đủ mua 1 chỉ để cất. Đến thời điểm này đã lên hơn 30 chỉ vàng. Số vốn bỏ ra mua từng ấy vàng không biết bao nhiêu, chỉ biết mỗi chỉ mua khoảng 5,5 - 5,8 triệu đồng nên với giá hiện nay lên 6 - 6,2 triệu đồng/chỉ thì có lời rồi", chị Thùy Anh tính toán nhưng cũng thừa nhận thấy giá tăng lên thì cảm giác may mắn, có lộc nên rất vui chứ không có ý định bán.
Trong năm 2023, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 7 triệu đồng mỗi lượng, lên 61,5 - 61,8 triệu đồng ở chiều bán ra, mua vào lên 60,2 - 60,5 triệu đồng. Tốc độ tăng giá của vàng nhẫn nhanh hơn so với vàng miếng, với mức gần 13%. Trong khi đó, vàng miếng SJC tăng hơn 5 triệu đồng/lượng, tương ứng 7,4%.
Nhìn lại một thập niên qua, vàng đã tăng giá hơn gấp đôi, từ mức gần 35 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng SJC lên 72 triệu đồng (mức kỷ lục xác lập ở 74 triệu đồng vào tháng 3.2022). Theo đó, từ năm 2013 - 2018, giá vàng chỉ xoay quanh mức từ khoảng 35 - 36,5 triệu đồng/lượng. Những năm tiếp theo, giá vàng tăng khá mạnh từ 9 - 31,5%/năm, năm tăng mạnh nhất là 2019 với 31,5%, tương ứng hơn 13 triệu đồng/lượng. Kể từ năm 2020 - 2023, bình quân mỗi năm vàng miếng SJC tăng giá khoảng 5 triệu đồng/lượng. Vì thế, những người giữ vàng như một thói quen đều có lời.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho hay trong vài năm gần đây, vàng nhẫn đang dần chiếm sự quan tâm lớn hơn của thị trường. Xét về giá, vàng nhẫn cùng chất lượng 4 số 9 như vàng miếng nhưng lại rẻ hơn đến 10 - 11 triệu đồng/lượng, người mua bỏ vốn ra ít hơn. So với các kênh đầu tư khác thì người nắm giữ vàng trong năm qua cũng rủng rỉnh có lời. Hiện vàng tăng giá mạnh vào những tháng cuối năm khi giá vàng quốc tế tăng trên 2.000 USD/ounce (tăng 180 USD/ounce so với đầu năm, tương ứng tăng 9,8%). Sở dĩ vàng lên cao do USD giảm giá trước thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới. Fed đã có một chu kỳ tăng lãi suất kéo dài từ tháng 3.2021 đến nay, lãi suất từ mức 0% lên trên 5%/năm. Trong năm 2024, dự báo Fed giảm lãi suất và nếu điều này xảy ra, giá USD sẽ đi xuống và vàng sẽ hưởng lợi tăng tiếp. Ngoài ra, nhiều thông tin địa chính trị ở các nước cũng đang hỗ trợ vàng đi lên. Đó là lý do nhiều người vẫn giữ thói quen tích cóp từng chỉ vàng và vẫn có lời.
Có thể thấy, dù tiết kiệm vẫn là kênh hút tiền mạnh nhất nhưng lãi suất giảm cũng đang khiến khoản tiền nhàn rỗi được cân nhắc chảy sang các kênh đầu tư khác.
Giá vàng trong nước sẽ bám theo giá trên thị trường quốc tế, nhất là vàng nhẫn. Tuy nhiên người dân cần thận trọng khi mua vàng bởi tình trạng giá trong nước không liên thông với nước ngoài, "một mình một chợ", tăng giảm khó lường. Từ nhiều năm qua, vàng miếng SJC cao hơn quốc tế từ 10 triệu đồng/lượng trở lên, có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng; đồng thời, không nên chọn những lúc giá tăng mạnh và biến động liên tục để nắm giữ.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới
Bình luận (0)