Chưa thống nhất phương án can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng thua lỗ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/11/2023 15:29 GMT+7

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra vẫn còn khác nhau trong quy định các phương án can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt đối với các ngân hàng thua lỗ.

Chiều 23.11, Quốc hội thảo luận luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi với các quy định chấm dứt sở hữu chéo, hạn chế thao túng, chi phối các ngân hàng cũng như các biện pháp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các ngân hàng.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật điều chỉnh quy định liên quan tới hạn chế thao túng, chi phối ngân hàng.

Chưa thống nhất phương án can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng thua lỗ - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

GIA HÂN

Trong đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5%, thay vì 3% như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 5 tháng 6 vừa qua. Hạn mức cấp tín dụng cũng giảm xuống 10% vốn tự có với một khách hàng và 15% với khách hàng, người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

2 phương án can thiệp sớm ngân hàng thua lỗ

Vấn đề còn ý kiến khác nhau, theo ông Thanh là các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng các quy định can thiệp sớm nêu tại dự thảo luật là vẫn chậm, cần nghiên cứu sửa kỹ lưỡng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng can thiệp sớm hơn, khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lỗ lũy kế hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ sẽ được cơ quan quản lý có phương án can thiệp. Tỷ lệ này giảm 5% so với bản thảo trình hồi tháng 6.

Đối với việc can thiệp sớm trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt được thiết kế 2 phương án tại dự thảo luật.

Theo đó, phương án 1, giữ quy định ngân hàng được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp các tổ chức này có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời.

Đồng thời, bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến ngân hàng mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo luật hiện hành.

Cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định phù hợp với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Phương án 2, theo ông Thanh, kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn, vì có một số trường hợp ngân hàng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp nhưng tổ chức tín dụng này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỷ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt.

Ông Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đa số ý kiến cơ quan này thống nhất phương án 1.

Lỗ trên 100% giá trị vốn điều lệ sẽ kiểm soát đặc biệt

Chưa thống nhất phương án can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng thua lỗ - Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận về luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Luật này cũng đã được Quốc hội thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp 6 này như dự kiến

GIA HÂN

Về các biện pháp kiểm soát đặc biệt ngân hàng cũng được thiết kế 2 phương án. Phương án 1, ngân hàng được đặt ngay vào diện bị kiểm soát đặc biệt khi có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ; hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà ngân hàng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm hoặc Ngân hàng Nhà nước xét thấy tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng phục hồi theo phương án khắc phục; tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Cạnh đó, cơ quan quản lý xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt với trường hợp mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục; xếp hạng yếu kém trong 2 năm liên tục. Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.

Theo ông Thanh, phương án này sẽ bảo đảm tính răn đe, bao quát các trường hợp từ can thiệp sớm đến kiểm soát đặc biệt gắn với mức độ kỷ luật thị trường tăng dần. Tức là, ngân hàng có lỗ lũy kế hơn 15% giá trị vốn điều lệ sẽ đặt vào can thiệp sớm. Còn lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ sẽ xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt và lỗ trên 100% giá trị của vốn điều lệ phải đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt.

Phương án 2, theo ông Thanh là giữ quy định Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định các trường hợp đặt vào kiểm soát đặc biệt.

Trong đó có trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt và có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ sẽ bị áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt để xử lý những vấn đề phát sinh chưa có quy định hoặc phải áp dụng biện pháp cần thiết khác mà chưa dự liệu được ở thời điểm hiện tại để đảm bảo an toàn hệ thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay, Chính phủ nhất trí với phương án này và cho rằng việc đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt nên được xem xét, cân nhắc trên nhiều yếu tố khác nhau. Việc quy định "cứng" ngay lập tức đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt cần được cân nhắc thận trọng.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án 1. Ông Thanh nhấn mạnh, đây là nội dung đặc biệt quan trọng của dự thảo luật, có quan hệ mật thiết với các quy định về can thiệp sớm, là căn cứ để xử lý các ngân hàng có vấn đề, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá đủ rõ và đầy đủ tác động của các chính sách trong dự thảo luật hiện nay, nên chưa đủ cơ sở để thiết kế phương án tối ưu.

Do đó, ông Thanh cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể các trường hợp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, thuyết minh các trường hợp và đánh giá tác động cụ thể hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.