Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh nhiều đoàn cứu trợ, người dân dùng phương pháp hút chân không để bảo quản thực phẩm như bánh mì, cơm nắm, bánh chưng... được chia sẻ rộng rãi. Phương pháp này nếu làm đúng cách sẽ bảo quản được thực phẩm lâu hỏng hơn để ngoài môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, TS Vũ Thị Tần, giảng viên Hóa vô cơ ĐH Bách Khoa Hà Nội không khỏi lo lắng, mong muốn chia sẻ để mọi người cẩn trọng với phương pháp bảo quản thực phẩm này.
"Hút chân không là rút hết khí của thực phẩm, tạo môi trường chân không (không có không khí trong thực phẩm). Phương pháp này có thể ngăn cản sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Tuy nhiên, có loại vi khuẩn lại phát triển mạnh mẽ ở trong môi trường kị khí (không có không khí hoặc thiếu oxi), ví dụ như botulinum. Độc tố botulinum có thể gây nhiễm độc mạnh, thậm chí gây tử vong, rất nguy hiểm", TS Tần nói.
Hiện tại, các loại thực phẩm như bánh mì, bánh chưng, cơm nắm, xôi... được chế biến ồ ạt, rồi hút chân không gửi đi. Nếu trong quá trình chế biến có nhiễm khuẩn botulinum thì việc hút chân không sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn nhiều so với việc để đồ ăn trong túi bình thường.
TS Tần cho biết thêm, vi khuẩn botulinum sống rất "dai", phải đun nóng ở nhiệt độ cao trên 120 ºC trong thời gian dài mới loại bỏ được. Tuy vậy, hiện nay bà bà con vùng lũ đang bị cô lập, không có đủ điều kiện để đun nóng lại phải sử dụng ngay, như vậy khá nguy hiểm.
Trực thăng không quân lại lên đường cứu trợ vùng cô lập ở Cao Bằng
Như Thanh Niên đã đưa tin trong bài viết Hàng cứu trợ nào người dân miền Bắc đang cần nhất? thì áo phao, đèn pin, thuyền, nước sạch, đồ khô sử dụng được lâu là những thứ ưu tiên.
Hiện tại, đường đến tận nơi các điểm thiệt hại nặng đang chia cắt, đi lại khó khăn, xe lớn khó đi vào được. Thực phẩm có hạn sử dụng ngắn sợ không kịp đến tay bà con thì đã hư hỏng. Nước lũ ở một số điểm cũng đã rút dần nên áo phao, thuyền cần được cân nhắc, tuỳ từng địa bàn khác nhau. Hầu hết các vùng ngập lũ, sạt lở bị mất điện, việc nấu nướng cũng gặp khó nên các nhà hảo tâm cũng cần lưu ý hỗ trợ gạo hoặc mì tôm.
Vì vậy, trước khi lên đường, các đoàn cần xác định rõ điểm đến, liên hệ với chính quyền địa phương để nắm tình hình để cứu trợ đúng thứ bà con đang cần.
Bình luận (0)