Tiến sĩ lịch sử chia sẻ cách học và thi theo năng lực phẩm chất

20/07/2024 19:53 GMT+7

‘Người ta thường hay quan niệm học lịch sử là phải biết thật nhiều sự kiện, ghi nhớ thật nhiều ngày tháng, số liệu... Đó là quan niệm không đúng’.

Tiến sĩ lịch sử chia sẻ cách học và thi theo năng lực phẩm chất- Ảnh 1.

Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo

MỸ DUYÊN

Sáng nay (20.7), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo quốc gia “Nam bộ từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Giơ-ne-vơ 70 năm nhìn lại (1954-2024)”. Hội thảo quy tụ 37 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước.

Chia sẻ thêm với phóng viên, PGS-TS Trần Thị Mai, giảng viên cao cấp khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói: “Giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất là thông qua chương trình giáo dục, sách giáo khoa và vai trò hướng dẫn, tổ chức hoạt động dạy học của người thầy, học sinh được tham gia vào quá trình tìm hiểu, khám phá và thực hành những tri thức lịch sử, vận dụng những kiến thức được học vào thực tiễn, đúng với tinh thần người học là trung tâm”.

“Người ta thường hay quan niệm học sử là phải biết thật nhiều sự kiện, ghi nhớ thật nhiều ngày tháng, số liệu... Đó là quan niệm không đúng. Quan điểm học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất chú trọng vào tính hệ thống, tiếp nhận những tri thức cốt lõi, nắm được bản chất của sự kiện, quá trình lịch sử và biết vận dụng vào thực tiễn. Mà thực tiễn không ở đâu xa, nó ở ngay trong vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội... ngay trong địa phương của mình”, PGS-TS Trần Thị Mai cho hay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 2.108 bài thi đạt điểm 10 lịch sử.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử của cả nước năm 2024 cho thấy mức điểm trung bình là 6,57. Mức điểm mà các học sinh đạt được nhiều nhất là 6,75. Môn thi này có 2.108 bài thi đạt điểm 10 nhưng có 19 bài thi 0 điểm.

Chia sẻ về phương pháp này, TS Mai cho biết: “Về vấn đề bảo tồn giá trị của những di sản văn hóa, các em có thể tham gia trực tiếp với vai trò là người tìm hiểu, sưu tầm, giới thiệu, quảng bá di sản ở địa phương mình. Từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình và góp phần cùng cộng đồng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Học đi đôi với thực hành lịch sử, học gắn liền với thực tiễn, kết nối với cuộc sống và có thêm hiểu biết về địa phương, không chỉ giúp củng cố tri thức được học mà còn bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất cho học sinh”.

Tiến sĩ lịch sử chia sẻ cách học và thi theo năng lực phẩm chất- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo quốc gia sáng nay

MỸ DUYÊN

Theo PGS-TS Trần Thị Mai, đề thi bây giờ không ra theo kiểu chú trọng kiểm tra kiến thức mà là thi đánh giá năng lực, chú trọng việc người học đã học được gì, tiếp nhận và vận dụng tri thức ra sao. Học theo năng lực phẩm chất thì thi cũng phải theo năng lực phẩm chất, xóa đi tâm lý học sử phải học thuộc lòng.

“Học lịch sử để mình hiểu biết và vận dụng nên đề thi cũng kiểm tra sự hiểu biết, khả năng vận dụng của người học”, giảng viên cao cấp khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ thêm về vấn đề học và thi lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.